Lập lại trật tự đầu tư công

Cập nhật 17/11/2013, 09:11:24

Sáng 16-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật đầu tư công.

Theo ông Vinh, do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế; đầu tư còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém.

Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp.

“Cho đến nay chưa có văn bản pháp luật chế định đầy đủ toàn bộ quá trình đầu tư công từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công” – ông Vinh nêu rõ.

 

 

  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Bùi Quang Vinh – Ảnh: V.Dũng

 

Trong các nguyên nhân dẫn đến thất thoát, lãng phí, tham nhũng ở lĩnh vực đầu tư công, ông Bùi Quang Vinh cho rằng “lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả”.

Vì vậy, dự luật này “đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, là nội dung đổi mới quan trọng nhất, đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư”.

Ông Vinh nêu ví dụ: “Hiện nay, nhiều bộ ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ, từ đó quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của ngành mình, cấp mình, cũng như vượt quá khả năng bổ sung, hỗ trợ của ngân sách cấp trên”. Vì vậy, “việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn trong Luật đầu tư công sẽ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay”.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với quy định của dự án luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước các cấp và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý sử dụng vốn đầu tư công.

“Tuy nhiên cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với Chính phủ là “cần phải quy định xử lý đối với các trường hợp dự án đầu tư công đã được quyết định đầu tư trước khi luật này có hiệu lực để chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở và định hướng tiếp tục triển khai thực hiện”.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại tất cả chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư từ trước khi luật này có hiệu lực, phân loại những dự án đã thực hiện và dự án chưa thực hiện. Đồng thời, xem xét tác động của việc xử lý đối với các dự án đầu tư dở dang, nếu không tiếp tục đầu tư sẽ gây hậu quả như thế nào đối với các bên tham gia dự án cũng như đối với nền kinh tế.

Quốc hội sẽ có các phiên thảo luận về dự án luật này vào các ngày 18 và 27-11.

Theo Thanh Niên Online


Lượt xem: 31

Trả lời