Lần đầu tiên nông sản của người H’rê vào siêu thị cả nước

Cập nhật 24/1/2018, 16:01:43

Trước Tết âm lịch 2018, những hợp đồng tiêu thụ nông sản đầu tiên của nhóm hộ nông dân H’rê ở huyện miền núi Sơn Hà, Quảng Ngãi với hệ thống siêu thị BigC đã chính thức khởi động. Đây cũng là tấm giấy thông hành để nông sản truyền thống của người dân vùng cao có mặt trong các hệ thống phân phối toàn quốc. Đây cũng là kết quả bước đầu trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản, tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Dẫu còn lúng túng và mất nhiều thời gian trong khâu đóng gói và dán nhãn hàng hóa song các hộ chăn nuôi ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà rất vui khi đặc sản gà kiến nổi tiếng ở vùng cao Quảng Ngãi đã có được tấm giấy thông hành để bước vào Siêu thị Big C. Điều này cũng đồng nghĩa là người chăn nuôi bán được giá cao và đầu ra ổn định hơn.

Anh Đinh Quốc Khánh, xã  Sơn Hạ, Sơn Hà, Quảng Ngãi nói: “Từ lúc vô siêu thị thì bán được con gà nó cũng kiếm thêm được  hai mươi đến ba mươi ngàn đó. Thấy cũng vui”.

Với sự hỗ trợ của nhà nước về con giống, kỹ thuật, lần đầu tiên các mô hình chăn nuôi, sản xuất, cung ứng nông sản sạch, an toàn theo chuỗi liên kết đã được triển khai trong cộng đồng người H’rê ở xã Sơn Hạ. Qua nhiều khâu kiểm định, nông sản vùng cao đã  được  siêu thị BigC chấp nhận để đưa vào phân phối trong toàn hệ thống.

Ông Phùng Tô Long , Phó Chủ tịch UBND  huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nhiều tiêu chuẩn được đặt ra. Thứ nhất là kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm và các dư lượng về thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật và các kim loại nặng là phải ở dưới mức cho phép và phải đảm bảo  sức khỏe người tiêu dùng”.

Mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín đã làm thay đổi thói quen cố hữu nặng về  tự cung, tự cấp  của người dân tộc  thiểu số ở xã vùng cao Sơn Hạ, từng bước tiến tới sản xuất theo hướng hàng hóa.

Ông Phạm văn Công, Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Phát huy lợi thế trong  tài nguyên hiện có. Đó là đất đai và mục đích cuối cùng trong việc thay đổi  thói quen và ý thức trong sản xuất đó là  để nâng cao mức thu nhập cho bà con”.

“Bà con có một cái sản lượng được cam kết phải sản xuất theo đúng kế hoạch và thị trường đã được xác định. Do đó  thu nhập của bà con cũng đã được nâng lên đáng kể so với cái việc là sản xuất theo kiểu truyền thống”, ông Phùng Tô Long, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi nói thêm.

Xây dựng các chuỗi sản phẩm nông sản mang thương hiệu vùng cao là cách để Quảng Ngãi vừa  đưa ra thị trường các nông sản hữu cơ an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, vừa giúp người dân địa phương tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

Kim Dung – Hữu Thịnh


Lượt xem: 65

Trả lời