Khánh Hòa thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác

Cập nhật 23/8/2022, 09:08:02

Trong bối cảnh hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn gặp nhiều khó khăn thì đảm bảo các nguồn lực về tài chính là rất cần thiết cho sự phát triển bứt phá của kinh tế hợp tác. Xuất phát từ thực tế đó, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đề án “Đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác giai đoạn 2022-2025”, với tổng nguồn vốn thực hiện trên 44 tỷ đồng.

 Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Khánh Hòa có 101 HTX hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hiện đã có 58 HTX chuyển đổi mô hình hoạt động và 43 HTX mới thành lập với tổng số hơn 40.000 thành viên. Qua rà soát hiện trạng, hầu hết các hợp tác xã đang hoạt động đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; trình độ kỹ thuật lạc hậu nên sản phẩm hàng hóa và chất lượng dịch vụ chưa cao; từ đó dẫn đến lợi ích về kinh tế của tập thể HTX và của từng xã viên còn thấp.

 Ông Nguyễn Xuân Hòa – Thành viên HĐQT HTX Nuôi trồng Thủy sản – Du lịch Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu cho HTX theo mô hình nuôi tôm hùm sạch theo VietGAP và OCOP. Phương hướng của chúng tôi đang tìm các DN để hợp tác mua bán. Chúng tôi mong mỏi cho phép được vùng nuôi và chuyển đổi từ lồng gỗ sang lồng HDPE”.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, các HTX cần giải quyết được những vấn đề về khâu tổ chức sản xuất kinh doanh; kiểm soát chất lượng-giá cả đầu vào và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; chủ động áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Trên thực tế, nếu chỉ dựa vào nội lực thì hiện nay các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ khó phát triển đúng hướng; và cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lâu dài. Cơ chế, chính sách sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển đúng với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ông Lê Minh Tâm – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Để tạo điều kiện thêm cho các htx thì chúng tôi kiến nghị với tỉnh có hỗ trợ về việc thành lập HTX mới, tham gia vào liên minh HTX và thực hiện gắn với chuỗi liên kết”.

Trước yêu cầu nâng cao hơn nữa năng lực cho các HTX, Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa đã và đang triển khai đề án “Đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác giai đoạn 2022-2025”. Đề án được bố trí nguồn vốn hơn 44 tỷ đồngđể triển khai thực hiện; trong đó vốn từ ngân sách tỉnh 33,5 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện trên 5,2 tỷ đồng và vốn đối ứng của các đơn vị khoảng 5,4 tỷ đồng. Từ đó, tạo nguồn lực cho các HTX phát triển cả về chất và lượng. Đề án sẽ ưu tiên đầu tư kinh phí cho các HTX xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm hàng hóa gắn với chuỗi giá trị; đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Trung Dũng – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Liên minh tập trung cho công tác tư vấn, hỗ trợ cho các HTX chuyển đổi và thành lập mới; thực hiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho các HTX cũng như xây dựng chuỗi giá trị; tham mưu các cơ chế chính sách, ứng dụng tiến bộ KHKT để các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển”.

Giai đoạn 2022-2025, đề án sẽ tập trung hỗ trợ thành lập mới các HTX có lợi thế sản xuất, sản phẩm có tính chủ lực cao, quy mô lớn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Phát triển HTX công nghệ cao theo chuỗi giá trị, gắn với sinh thái nông thôn, sinh thái biển. Đề án cũng sẽ vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, đảm bảo đủ nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, nâng cao trình độ quản lý nhà nước cho cán bộ quản lý kinh tế tập thể các cấp phù hợp với thực tiễn sản xuất và kinh doanh.

    Minh Khiêm – Nguyên Kông – Tố Ngà (Đài Khánh Hòa)


Lượt xem: 1

Trả lời