Khẩn trương ứng phó bão đổ bộ

Cập nhật 14/10/2013, 15:10:34

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có mặt tại Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy để tổng rà soát việc chuẩn bị ứng phó của các địa phương trong khu vực.

Tàu thuyền đã được neo đậu an toàn. Ảnh VGP/Mai Vy

 

Bão đổ bộ cấp 12, sau bão mưa đến 500-600mm

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương diễn ra sáng 14/10 tại Hà Nội, ông Võ Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 11 đang ở cuối cấp 13-14. Cho đến 4 giờ sáng ngày mai (15/1) bão sẽ áp sát bờ biển và đổ bộ vào Thừa Thiên-Huế và phía Bắc của Đà Nẵng.

Cường độ bão lúc gần bờ giữ ở cấp 11-12. Thời điểm bão đổ vào đất liền nước ta khoảng 1 giờ sáng 15/10 nếu di chuyển nhanh và chậm là khoảng 4 đến 5 giờ sáng. Tổng lượng mưa các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Đà Nẵng trung bình từ 200-250mm, có thể lên đến 300mm.

Đáng chú ý, sau khi bão số 11 đổ bộ sẽ có ngay đợt không khí lạnh tăng cường mạnh ở phía Bắc. Mưa của hoàn lưu bão số 11 kết hợp với mưa của không khí lạnh là điều mà các địa phương cần lưu tâm.

“Không khí lạnh sẽ gây mưa lớn từ Thanh Hóa đến Bình Định. Đợt mưa này kéo dài từ ngày 15 đến ngày 18, ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế tổng lượng mưa trung bình khoảng 400mm, đặc biệt có những điểm mưa lên đến 500-600mm trong vòng 4 ngày”, ông Hòa nói.

Ông Vũ Văn Tú, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương lưu ý: Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn, đồng thời chuẩn bị phương án sơ tán dân khỏi những khu vực nguy hiểm ở ven biển, hạ du các hồ chứa đã tích đầy nước, hoặc xuống cấp nghiêm trọng.

28 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn

Về mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, dự báo từ đêm 14 đến ngày 16/10, trên hầu hết trên các sông khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện lũ ở mức báo động 2, một số sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế có khả năng đạt mức báo động 3.

Về tình hình hồ đập, theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão: Hầu hết các hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý đều đã đạt mực nước dâng bình thường hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Hiện có 10 trong tổng số 17 hồ thủy điện trong khu vực đang xả nước điều tiết, một số hồ xả với lưu lượng trên 200 mét khối/giây.

Nhìn chung, các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn trong khu vực đang vận hành bình thường, dung tích hồ các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng phổ biến ở mức từ 60-80% so với thiết kế. Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận đang tích nước ở mực nước thấp từ 30-50% so với thiết kế.

Tuy nhiên, hiện có có 5/13 hồ lớn đã đầy và qua tràn là Đăk Uy, Đăk Yên (Kon Tum), Biển Hồ, Tân Sơn (Gia Lai), hồ Buôn Yong (Đắk Lắk). Ngoài ra, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định hiện có 28 hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn, cần quan tâm khi mưa lớn xuất hiện.

Đà Nẵng cho học sinh nghỉ học

Tại Đà Nẵng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho học sinh nghỉ học để tránh bão bắt đầu từ chiều ngày 14/10 và hết ngày 15/10. Các trường đại học, THCN cũng đã xem xét cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo tính mạnh cho học sinh, sinh viên.

Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố đã điều sẵn sàng 2 xe tăng thiết giáp loại bánh su để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với bão khi có yêu cầu.

Đến giờ phút này, các địa phương ven biển thành phố Đà Nẵng như Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu đã tích cực phối hợp với các lực lượng vũ trang hỗ trợ bà con ngư dân đưa toàn bộ các ghe thúng, ngư cụ lên bờ.

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết: Hiện các tàu thuyền được đưa vào neo đậu an toàn. Các người dân ở khu vực nguy hiểm đang di dời đến nơi an toàn. Thành phố quyết tâm đảm bảo không để tồn thương về người, giảm tối thiểu hư hại về tài sản trên địa bàn.

 

Theo TTĐT Chính Phủ


Lượt xem: 25

Trả lời