Hướng tới xây dựng Đối tác chiến lược Việt Nam-Bulgaria

Cập nhật 28/10/2013, 08:10:40

Bulgaria luôn coi trọng tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rosen Plevneliev sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-31/10/2013.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam; thúc đẩy khởi động mô hình hợp tác kinh tế mới giữa hai nước; trao đổi tình hình và đánh giá về các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

 

Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev (Ảnh: BNG)

Bulgaria là quốc gia nằm ở Đông – Nam Châu Âu với dân số 6,98 triệu người, trong đó có khoảng 3 triệu người là kiều dân nước ngoài.

Trong những năm gần đây, tuy bị ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới, Bulgaria vẫn có những bước phát triển đáng kể về kinh tế.

Bulgaria đã thành công trong việc giảm nợ công trong 10 năm qua (từ 100% GDP xuống còn 16% GDP), đã giữ được thâm hụt ngân sách cũng như lạm phát dưới mức trung bình do EU đề ra trong 3 năm qua và là nước duy nhất trong EU được nâng bậc xếp hạng tín nhiệm trong thời kỳ khủng hoảng.

Trong chính sách đối ngoại, bên cạnh việc ưu tiên hội nhập toàn diện vào EU (đang phấn đấu gia nhập Hiệp định Schengen và Khu vực đồng tiền chung Châu Âu…); tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, Bulgaria cũng chú trọng cân bằng quan hệ Đông – Tây thông qua việc phát triển quan hệ với Nga.

Bulgaria cũng coi trọng phát triển quan hệ với các nước lớn ở Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó ưu tiên quan hệ với Việt Nam.

Quan hệ chính trị

Bulgaria là một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (8/02/1950), khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác lâu dài giữa hai nước.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Bulgaria của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 8/1957 đã đặt nền móng và dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Từ 1950-1989 quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp. Bạn đã dành cho ta sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu về tinh thần và vật chất trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.

Từ năm 1990, quan hệ hai nước bị chững lại một thời gian ngắn do Bulgaria thay đổi chế độ chính trị. Từ 1993, quan hệ dần được khôi phục. Thời gian gần đây, trong chính sách mở rộng và tăng cường quan hệ với các nước khu vực Châu Á, Bulgaria đặc biệt quan tâm tăng cường quan hệ với Việt Nam. Đáng chú ý, trong các cuộc hội đàm và tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao của Bulgaria đều bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức Đối tác chiến lược.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hội kiến với Tổng thống Rosen nhân chuyến thăm Bulgaria năm 2012 (Ảnh:VGP)

Từ năm 2000 đến nay, lãnh đạo hai nước thường xuyên tiến hành các cuộc viếng thăm lẫn nhau, trong đó phải kể đến chuyến thăm Bulgaria của Thủ tướng Phan Văn Khải (16-18/9/2000), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (6/2008), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (7/2010), Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (8/2013), Chủ tịch Quốc hội Bulgaria (3/2004); Thủ tướng Stanishev (11/2006), Phó Tổng thống A. Marin (4/2007)…

Việt Nam và Bulgaria cũng đã hợp tác tốt tại các diễn đàn đa phương. Bulgaria ủng hộ ta gia nhập WTO, ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (2008-2009) và ứng cử Hội đồng Nhân quyền (2014-2016).

Việt Nam ủng hộ Bulgaria làm ứng cử làm Tổng Giám đốc UNESCO (2009-2013) và Thẩm phán tòa án công lý quốc tế ICJ (2011).

Quan hệ kinh tế

Thương mại: tuy còn khiêm tốn nhưng có tiến triển tích cực. Những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai bên đạt mức 70-80 triệu USD/năm.

Để tăng kim ngạch thương mại, hai bên đã tiến hành ký kết một số văn bản, Hiệp định… tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa hai nước. Tháng 3/2001 hai bên ký Hiệp định mới về kinh tế – thương mại, dành cho nhau quy chế tối huệ quốc. Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật đã tổ chức Khóa họp lần thứ 22 tại Hà Nội từ 7-8/6/2012.

Tháng 7/2010, nhân chuyến thăm Bulgaria của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, hai bên đã ký Hiệp định xử lý nợ song phương (có hiệu từ 19/8/2010). Theo đó, Bulgaria chuyển 600.000 USD trong tổng số nợ ta phải trả thành viện trợ phát triển của Chính phủ Bulgaria cho Việt Nam.

Việt Nam xuất khẩu sang Bulgaria chủ yếu là các mặt hàng truyền thống như dệt may, giày da, cà phê, hạt tiêu, thuốc lá, than đá, thủy sản… và nhập khẩu của Bulgaria các mặt hàng như hoá chất, tân dược, rượu vang, máy móc, thiết bị đóng tàu, lúa mỳ, thức ăn gia súc…

Đầu tư: Đến 12/2012, Bulgaria có 7 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 29,86 triệu USD, đứng thứ 57 trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Trong số 7 dự án đầu tư của Bulgaria có 5 dự án 100% vốn nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 14,96 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư. Hình thức liên doanh có 2 dự án với tổng vốn đăng ký là 14.9 triệu USD.

Các dự án thuộc các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo; thông tin và truyền thông; khoa học công nghệ; dịch vụ. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 2 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 28 triệu USD, chiếm 93% vốn đầu tư đăng ký; lĩnh vực thông tin truyền thông có 3 dự án với tổng vốn đầu tư là 1,67 triệu USD; 2 dự án còn lại thuộc lĩnh vực khoa học – công nghệ và dịch vụ.

Việt Nam chưa có đầu tư vào Bulgaria do luật liên doanh của Bulgaria với doanh nghiệp nước ngoài còn nhiều hạn chế, chỉ cho phép người Bulgaria đứng chủ sở hữu và doanh nghiệp nước ngoài chiếm 10% trong liên doanh.

Ngoài lĩnh vực chính trị, kinh tế, quan hệ hai nước còn phát triển ở các lĩnh vực khác như: văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng… Đặc biệt cho tới nay, Bulgaria đã giúp ta đào tạo cho Việt Nam hơn 4000 cán bộ khoa học, chuyên gia các cấp và khoảng 3 vạn công nhân lành nghề. Đây có thể nói là lĩnh vực hợp tác đạt hệu quả cao giữa hai nước.

Hiện có hơn 1.000 người Việt Nam sinh sống tại Bulgaria. Con số này còn rất khiêm tốn bởi Bulgaria là quốc gia có hơn một nửa là kiều dân ngoại quốc. Tuy nhiên, cộng đồng Việt Nam tại Bulgaria có cuộc sống ổn định, có nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt và có uy tín tại Bulgaria như: IMEXCO, RD…

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev lần này khẳng định chính sách hướng đông của Bulgaria nhằm cân bằng mối quan hệ giữa các khu vực, một mặt mong muốn tăng cường mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam.

Trong chuyến thăm lần này, hai nước sẽ ký tuyên bố chung hai nước trong đó sẽ cam kết xây dựng mối quan hệ Đối tác chiến lược trong tương lai./.

Theo VOV


Lượt xem: 19

Trả lời