Hội thảo phát triển cà phê bền vững vùng Tây Nguyên

Cập nhật 29/8/2016, 15:08:49

Trong khuôn khổ dự án “Cải thiện sinh kế cho người nghèo và người DTTS khu vực Tây Nguyên thông qua sản xuất cà phê bền vững và tiếp cận thị trường hướng tới người nghèo”; Hội thảo tham vấn nghiên cứu Chính sách phát triển cà phê bền vững tại Tây Nguyên vừa được Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột.

29.8 hoithao

Tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định những đóng góp quan trọng của ngành cà phê trong phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung khi đóng góp 10% GDP nông nghiệp, 5% tổng giá trị xuất khẩu, và tạo sinh kế cho hơn 50% người dân Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ lo lắng trước những khó khăn mà ngành cà phê đang phải đối mặt, đó là trong quá trình sản xuất chế biến cà phê chủ yếu tập trung ở khâu trồng trọt, còn xuất khẩu phần lớn dưới dạng nguyên liệu thô khiến giá trị gia tăng của cà phê còn khiêm tốn; mặt khác hiện diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao, năng suất chất lượng thấp, trong khi công tác tái canh vẫn còn nhiều vướng mắc. Trước thực tế này, nhiều giải pháp về phát triển cà phê bền vững đã được các đại biểu đề xuất, từ cơ chế chính sách, tổ chức sản xuất, hợp tác quốc tế, đổi mới công tác quản lý, đến việc nhanh chóng đưa những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk nêu: Chính phủ có những chính sách cho nông dân cho HTX, việc tiếp cận còn khó khăn, chưa có HTX nào được vay vốn”.

Ông Đoàn Doãn Toản – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết: “Cần nhanh chóng tuyên truyền cho người dân biết về chính sách UBND tỉnh vừa cho phép giải ngân một lần với các khoản vay dưới 100 triệu đồng”.

         Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng: Cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu, đẩy mạnh cơ giới hóa ở các khâu chăm sóc, thu hái, chế biến; khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ về giảm tổn thất sau thu hoạch; bên cạnh đó cần thành lập các Trung tâm kết nối nông sản của tỉnh và cao hơn là liên tỉnh để thúc đẩy phát triển thị trường cà phê ./.

Tường Vy – Lâm Thành


Lượt xem: 217

Trả lời