Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 15 (khóa VII)

Cập nhật 22/8/2014, 19:08:25

Ngày 22/8, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 15 (khóa VII) nhằm cho ý kiến vào các nội dung chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014 – 2019.

 
 

 Hội nghị nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. (Ảnh: TH)

Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương tham dự hội nghị.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tờ trình về công tác hiệp thương số lượng, cơ cấu, thành phần Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII; báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch và Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (nhiệm kỳ 2009 – 2014).

Các đại biểu tập trung thảo luận về tiêu đề Đại hội, tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các tầng lớp nhân dân, các bài học, mục tiêu, phương hướng và 5 chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới. Các đại biểu khẳng định: Đại hội VIII MTTQ Việt Nam phải xác định rõ vấn đề đại đoàn kết: đoàn kết trong Đảng, đoàn kết các dân tộc, tôn giáo và quốc tế. Do đó, Đại hội nêu cao quyết tâm: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường, trí tuệ, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức, giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu cũng cho rằng, Mặt trận cần có đánh giá về những tồn tại hạn chế trong nhiệm kỳ qua để kịp thời khắc phục. Nhất là vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, những ý kiến của nhân dân do Mặt trận nêu ra nhưng ít được giải quyết nên cũng làm giảm lòng tin của nhân dân. Vai trò này cần được cụ thể hóa qua hoạt động của Mặt trận và đoàn thể trong thời giai tới. Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa – Xã hội cho rằng, báo cáo cần đánh giá được tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những kỳ vọng của nhân dân. Bên canh đó, không chỉ nêu những mặt đạt được mà còn nên những mặt hạn chế.

Hoan nghênh dự thảo báo cáo đã được tiếp thu chỉnh sửa qua các lần lấy ý kiến, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt góp ý, báo cáo của Mặt trận cần có suy nghĩ mới. Báo cáo không chỉ có kiểm điểm của các tổ chức thành viên mà cần có  đánh giá sự lãnh đạo của Đảng với Mặt trận vì Đảng là người lãnh đạo vừa là thành viên của Mặt trận.

Ông Lù Văn Que, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân tộc cho rằng phải đặc biệt coi trọng vấn đề dân tộc và tôn giáo, vì đó là những vấn đề có tính đặc thù quan trọng, có tính thời sự cấp bách, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, lại là những vấn đề rất nhạy cảm. Hòa giải và hòa hợp được vấn đề dân tộc và tôn giáo trong MTTQ Việt Nam là chìa khóa ổn định đất nước và đất nước mới có điều kiện phát triển.

Cùng với đó, các chương trình hành động của MTTQ trong nhiệm kỳ tới phải thiết thực và cụ thể hơn, hợp với lòng dân, có sức hiệu triệu và tập hợp được toàn dân tham gia. Điều có ý nghĩa quyết định là Đảng và Nhà nước phải có chính sách Mặt trận, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo sát hợp với thực tiễn… Phải biết dùng người, chọn đúng người tiêu biểu làm được công tác Mặt trận, không tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động như công chức nhà nước được…

Góp ý vào bài học kinh nghiệm trong báo cáo, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định thành công cho công tác Mặt trận. Không chỉ các tổ chức, cá nhân trong Mặt trận mà tất cả các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị phải thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, về vị trí, vai trò của Mặt trận để thực hiện và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo, hiệu quả trong công việc. Thứ hai, Đảng có chủ trương, nhà nước có pháp luật nhưng nếu nhân dân không hưởng ứng thì không thể có kết quả cao được. Do đó, Mặt trận phải thực hiện tốt nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động.

Đề cập đến công tác giám sát và phản biện xã hội, Luật sư Nguyễn Tiến Võ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật đề xuất, nhiệm kỳ tới, MTTQ cần tập trung giám sát thực thi pháp luật. Bởi hiện nay không chỉ xây dựng luật pháp mà vấn đề thực thi luật pháp cũng rất quan trọng.

 

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. 
(Ảnh: TH) 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trân trọng ghi nhận những ý kiến của các đại biểu. Đồng thời khẳng định, sẽ tiếp tục điều chỉnh văn kiện Đại hội theo hướng cô đọng, xúc tích hơn, trong đó cố gắng làm rõ những đóng góp của Mặt trận với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các tổ chức thành viên; làm rõ cơ chế để Mặt trận đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; làm rõ cơ chế giám sát; làm rõ những hạn chế trong báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch và Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; rà soát cơ cấu thành phần Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo hướng hoàn thiện đủ số lượng, cơ cấu, thành phần…

Sau khi tiếp thu, tổng hợp những ý kiến tại hội nghị, MTTQ Việt Nam sẽ điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện nay để trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII diễn ra vào ngày 25 tháng 9 tới đây./.

theo Báo ĐT ĐCS VN


Lượt xem: 34

Trả lời