Dự án Luật Đất đai sửa đổi:Cần có cơ quan thẩm định giá đất độc lập

Cập nhật 07/11/2013, 07:11:24

Phiên họp của QH góp ý về dự thảo Luật Đất đai sáng 6.11 dù chỉ đủ thời gian để lắng nghe 17/58 ý kiến của các đại biểu sau báo cáo giải trình của UB Thường vụ, song đã cho thấy những vấn đề “nóng” như giá đất, cơ chế thu hồi và bồi thường đất. 

Nhiều đại biểu cho rằng, giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định, quyết định giá đất là chưa khách quan, khó công bằng, chưa chặt chẽ, khó tránh khỏi sự thiên lệch từ các cuộc vận động hành lang của chủ thể được giao đất.

“Dựa vào đâu nói giá bồi thường tính đúng, tính đủ?”

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng quy định về giá đất như nêu trong dự thảo luật là quá chung, không giải quyết được mong muốn của người dân có đất bị thu hồi.

 

 

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương: “Quy định về giá đất trong dự thảo luật quá chung chung”.
Ảnh: TTXVN

 

Đại biểu này cho rằng: Việc xác định giá đất khi Nhà nước thu hồi phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai để người dân bị thu hồi đất có cuộc sống bình thường hoặc bằng hoặc tốt hơn so với trước.

“Vấn đề này là chủ trương của Đảng và Nhà nước đã nêu từ lâu, nhưng có mấy nơi nào đã làm đúng, làm tốt? Đa phần người dân bị thua thiệt và bức xúc dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện” – đại biểu Mỹ Hương cho hay.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nhất trí với đánh giá quy định nguyên tắc xác định giá đất là chưa rõ ràng, cụ thể.

“Chính quyền dựa vào đâu để nói với người dân là giá bồi thường đã được tính đúng, tính đủ; người dân căn cứ vào đâu để thấy rằng quyền lợi của mình đã được đảm bảo?” – đại biểu Hồng Hà đặt câu hỏi.

Bà đề nghị dự thảo cần thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất, đồng thời Nhà nước cũng cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và công bố giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu trong xác định giá đất.

UBND tỉnh vừa thu hồi đất, vừa quyết định giá đất

Ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quá lớn, khi vừa giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có quyền quyết định giá đất sẽ làm giá đất được quyết định thiếu khách quan, minh bạch.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện về đất đai. Theo ông, vai trò, thẩm quyền của tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất được quy định rất mờ nhạt trong dự thảo luật.

“Để đảm bảo tính minh bạch về định giá đất, tôi đề nghị phải thành lập một cơ quan có thẩm quyền quyết định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền quản lý đất đai.

Cần tránh tình trạng một cơ quan vừa đá bóng, vừa thổi còi dẫn đến tình trạng lạm dụng, làm thiệt hại đến quyền lợi và lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất” – ông yêu cầu.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt đồng tình cho rằng, giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định, quyết định giá đất là chưa khách quan, khó công bằng, chưa chặt chẽ, khó tránh khỏi sự thiên lệch từ các cuộc vận động hành lang của chủ thể được giao đất.

Để có thể làm trong quản lý tốt về đất cần phải tách thẩm quyền quyết định giá đất ra khỏi thẩm quyền quyết định về đất đai.

“Nói cách khác là không tập trung quyền quyết định toàn bộ về đất đai vào một cơ quan nhà nước, UBND cấp có thẩm quyền để giảm tính độc quyền” – bà nói.

Điểm nghẽn khiếu kiện đất đai vẫn còn

Về thu hồi đất, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) cho rằng, đề xuất từ rất nhiều chuyên gia và người dân về “không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế – xã hội, mà nên đưa phương thức trưng mua quyền sử dụng đất đối với các dự án này” vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của cơ quan soạn thảo.

Ông khẳng định: “Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội quy định tại Điều 62 của dự thảo luật thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải”.

Ông yêu cầu ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế – xã hội, bởi đây là một khái niệm không thật rõ ràng.

“Cần tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế – xã hội trong chính sách thu hồi đất này, nhằm tránh lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội’ – ông nói.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh dẫn chứng tình trạng áp dụng một cách tràn lan và quá giới hạn thu hồi đất, như rất nhiều khu công nghiệp lấy đất và đền bù với giá rất rẻ cho dân nhưng đến nay phần lớn diện tích đất của các khu công nghiệp chưa có người sử dụng, đất đai bỏ hoang.

“Mục tiêu tăng cho ngân sách không những không đạt được mà ngân sách phải góp thêm tiền để nuôi bộ máy khu công nghiệp.

Trong khi đó người dân bị mất đất không có đất canh tác, một bộ phận không nhỏ rơi vào cảnh đói nghèo” – ông nói.

Ông yêu cầu dự thảo luật cần làm rõ hơn thời điểm thu hồi đất diễn ra khi nào, tránh tình trạng cứ quy hoạch là thông báo thu hồi rồi lại để treo lãng phí rất lớn đến nguồn tài nguyên đất.

Theo Lao Động ĐT


Lượt xem: 27

Trả lời