“Đi tắt, đón đầu” đã đến lúc hạ màn

Cập nhật 23/12/2013, 08:12:27

Cách đây 55 năm, khi tham gia Asiad Tokyo 1958, phó chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan khi đó là Laung Sukhumnaipradit đã đề xuất tổ chức một đại hội thể thao riêng cho bán đảo Đông Nam Á.

Sở dĩ ông Laung Sukhumnaipradit đưa ra đề xuất này là vì nhận thấy thành tích thi đấu của các nước trong khu vực tại Asiad quá khiêm tốn. Rất nhanh chóng, các nước đã hưởng ứng và Đại hội thể thao Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1959. Mục tiêu của đại hội đầu tiên ghi rất rõ: Tăng cường tình hữu nghị của các quốc gia trong khu vực, tạo điều kiện để nâng cao không ngừng trình độ của vận động viên nhằm tham gia Á vận hội và Thế vận hội.

Nhìn lại sau 54 năm với 27 kỳ SEA Games, chúng ta thấy thể thao Đông Nam Á đã tiến bộ như thế nào? Nếu ngày xưa bóng bàn VN từng nằm trong tốp cao của thế giới, bóng đá thì cả miền Nam lẫn miền Bắc đều có thể chơi ngang ngửa với các đội đứng đầu châu lục thì nay đã thua rất xa. Các môn cơ bản như điền kinh, bơi lội, cử tạ, xe đạp… vẫn còn đó một khoảng cách rất xa, thế nên người ta mới gọi thể thao Đông Nam Á là “vùng trũng”.

Hơn nửa thế kỷ mà sự tiến bộ quá chậm chạp như thế thì rõ ràng SEA Games đã không đáp ứng được mong mỏi của các bậc tiền nhân. Chung quy là bởi trong vòng khoảng 20 năm gần đây, SEA Games đã bị biến tướng. Nhiều quốc gia dồn sức lực cho chuyện chạy đua tìm kiếm số lượng huy chương chứ không đầu tư mạnh cho các môn Olympic.

Riêng với thể thao VN, sau khi trở lại SEA Games vào năm 1989 thì giật mình nhận thấy mình tụt hậu quá xa. Thế là một chiến lược phát triển đã được hình thành, dựa vào chín chữ vàng “Đi tắt, đón đầu, lấy nữ làm chủ công”.

Rõ ràng chiến lược này đã thành công, đưa thể thao VN từ chỗ nghèo huy chương trở thành một quốc gia giàu có tại các kỳ SEA Games gần đây.

Song giờ đây, những người tâm huyết với thể thao mới giật mình nhận ra rằng nhiều HCV chẳng để làm gì khi nó không giúp ích gì cho việc đưa thành tích thể thao đỉnh cao tiếp cận thế giới, đồng thời cũng chẳng giúp cho “dân cường”. Bởi những môn phát triển theo chiến lược “đi tắt, đón đầu” không thu hút người dân. Trong khi đó, những môn mà người Việt yêu thích như là bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt… cùng những môn Olympic như điền kinh, bơi lội…đều phát triển chậm, hoặc không phát triển. Đơn giản bởi muốn phát triển những môn này cần có những chiến lược đúng đắn, dài hơi chứ không thể ngủ một giấc dậy là thấy huy chương!

Rõ ràng, đã đến lúc phải cho chiến lược “đi tắt, đón đầu” hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó. Nếu không, các quan chức thể thao cứ sốt sùng sục trong cơn mê huy chương, dẫn đến việc lơ là những môn cần thiết 
và quan trọng.

Một điều đặc biệt tai hại từ những môn trong danh sách “đi tắt, đón đầu” mang lại là nó làm dư luận nhiều lúc hiểu sai bản chất của vấn đề. Ví dụ như vừa rồi không ít người tức giận về việc nhiều VĐV của ta bị ép thô bạo. Thật ra đó là một điều hết sức bình thường trong những môn này, khi luật thi đấu của nó rất lỏng lẻo (thế nên Ủy ban Olympic thế giới mới không chấp nhận đưa vào Olympic) và đó là cơ sở để các quan chức ngồi phân chia huy chương.

Trước SEA Games 27, chính ông Hoàng Vĩnh Giang trong một lúc lỡ lời đã chẳng nói thẳng rằng “ta phải nhường cho Myanmar 8 HCV vovinam” đó sao. Vì vậy VĐV khóc tức tưởi, khán giả nổi giận vì bất công, nhưng sự thật nó đã nằm trong cuộc chơi của các quan chức thể thao cả rồi!

Theo Thể thao&Văn hóa


Lượt xem: 39

Trả lời