Đại biểu Quốc hội thảo luận về sửa đổi Hiến pháp

Cập nhật 23/10/2013, 13:10:23

Nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về vấn đề có nên tổ chức Hội đồng nhân dân ở các địa phương hay không.

Sáng 23/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhiều vấn đề được các cử tri quan tâm được các đại biểu đưa ra thảo luận. Trong đó Chương IX – về chính quyền địa phương, nhận được nhiều ý kiến tham gia.

Về vấn đề có nên tổ chức Hội đồng nhân dân ở các địa phương hay không, Đại biểu Hồ Thanh Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết: Hiến pháp là đạo luật gốc, song nếu quy định như trong Dự thảo sẽ đẩy khó cho các luật sau này, đặc biệt là Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân sửa đổi.

Các đại biểu thảo luận tại tổ

Theo bà Thủy, khi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở 10 tỉnh, thành trong đó có Vĩnh Phúc, có nói thí điểm để sau này sửa đổi Hiến pháp, song hiện nay chưa tổng kết việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường. Tới đây sẽ thí điểm chính quyền địa phương, đại biểu băn khoăn là đã thông qua Hiến pháp, lại thí điểm chính quyền địa phương, như vậy sẽ “làm khó” cho chúng ta khi sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Đại biểu cũng đề nghị trong Hiến pháp nên quy định cụ thể chính quyền có mấy cấp, và chính quyền gồm những cơ quan nào, không nên “để lửng” như trong Dự thảo. Bên cạnh đó, cũng nên quy định chính quyền địa phương gồm có Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân. Như vậy, cấp chính quyền địa phương nào có Ủy ban Nhân dân thì tương ứng đó là Hội đồng nhân dân.

Bà Thủy băn khoăn bởi Điều 114 vẫn bỏ ngỏ chính quyền địa phương nơi thì có Hội đồng nhân dân, nơi thì không. “Đến giờ, chúng ta vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau như vậy, sau này khi tổ chức sửa Luật Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong khi Hiến pháp quy định chung chung thế này sẽ rất là khó”, bà Hồ Thanh Thủy nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đoàn Hà Tĩnh nêu ý kiến, đã có chính quyền Nhà nước thì phải có Hội đồng nhân dân. Trong cơ chế hiện nay, nếu quyền lực của Hội đồng nhân dân giảm thì nhân dân khó có thể bảo đảm được quyền lợi như Hiến pháp quy định.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Văn Phúc, đoàn Hà Tĩnh cho rằng, đối với chính quyền nông thôn huyện, xã nên tiếp tục duy trì như hiện nay; nhưng chính quyền địa phương ở đô thị và hải đảo đã khá chín muồi, có thể sửa được. Ông Phúc lấy ví dụ, ở thành phố, thị xã thuộc tỉnh, hoặc quận, có ý kiến cho rằng ở cấp phường không nên tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, bởi Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân chỉ là người thừa hành các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, thị xã, quận, không có thẩm quyền quyết định về những vấn đề phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách. Các địa phương kiến nghị, trên có thể đề xuất thành lập một cơ quan đại diện hành chính, theo đó sẽ không cần Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

“Ta đi theo tư duy không tổ chức Hội đồng nhân dân, mà vẫn còn Ủy ban nhân dân nên đại biểu thấy rằng, có Ủy ban nhân dân là phải có Hội đồng nhân dân. Lẽ ra chúng ta phải nói, có nên tổ chức cấp chính quyền ở đơn vị đó hay không, hay tổ chức cơ quan đại diện hành chính? Nếu cấp phường không tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì theo tôi vẫn có cơ chế để bảo đảm cho cơ chế dân chủ trên địa bàn – đó là Hội đồng nhân dân của thành phố, thị xã cùng với Ủy ban nhân dân là cơ quan chấp hành”, ông Phúc nói./.

Theo VOV


Lượt xem: 30

Trả lời