Củng cố và phát triển quan hệ Việt Nam – Timor Leste

Cập nhật 04/9/2013, 09:09:32

Nhận lời mời của Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam, Thủ tướng Cộng hòa dân chủ Timor-Leste Kay Rala Xanana Gũsmao thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3-5/9.

 

 

Thủ tướng Timor-Leste Kay Rala Xanana Gũsmao (Ảnh:BNG)

 

 
Timor-Leste gồm phần Đông Bắc và một vùng nhỏ phía Tây của đảo Timor (đảo Timor nằm ở phía Nam quần đảo Indonesia). Phía Tây của đảo Timor là lãnh thổ của Indonesia. Phía Đông và Bắc của Timor-Leste gần với các đảo thuộc Indonesia, phía Nam gần với Australia và được ngăn cách cách bởi biển Timor.

 

Hiện Timor-Leste đã thiết lập quan hệ với khoảng 90 nước và có 27 cơ quan đại diện ở nước ngoài, chủ yếu là các địa bàn quan trọng như Mỹ, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, EU.

Timor-Leste duy trì chính sách quan hệ láng giềng thân thiện, đặc biệt với Úc và Indonesia. Cũng như các nước ASEAN, Timor-Leste coi trọng quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU. Trong chính sách đối ngoại, Timor-Leste coi trọng hàng đầu quan hệ với Úc, Indonesia và Bồ Đào Nha vì 3 nước này đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh và tái thiết đất nước. Mỹ và Trung Quốc cũng ra sức tranh thủ quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí địa chiến lược quan trọng này.

Timor-Leste là thành viên Liên Hợp Quốc, IMF, WB và ADB (2002) cũng như nhiều cơ chế và tổ chức quốc tế khác. Timor Leste đã chính thức trở thành quan sát viên của ASEAN (2002), thành viên ARF (2005), gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) (2007), lập Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN và đặt quyết tâm sớm trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN từ nay tới năm 2015.

Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Timor-Leste ngày 28/7/2002. Đây không phải thời gian dài nhưng quan hệ hai nước đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ chính trị

Việt Nam và Timor-Leste có quan hệ từ lâu. Khi Mặt trận Cách mạng vì một Timor Leste độc lập (FRETILIN) đơn phương tuyên bố độc lập (9/1975), Việt Nam là một trong những nước đầu tiên công nhận.

Kể từ khi nhà nước Timor Letste ra đời và tuyên bố độc lập (tháng 5/2002), quan hệ hai nước đã có những bước tiến đáng kể. Hai nước đã ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ (7/2002). Đại sứ Việt Nam tại Indonesia kiêm nhiệm Timor-Leste đã hai lần trình Quốc thư tại Timor-Leste (11/2004 và 10/2008). 

Timor-Leste đã chính thức mở Đại sứ quán tại Hà Nội (4/2012). Đại sứ Jorge Trindade Neves de Camões đã trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 06/11/2012. Hai nước đã thiết lập cơ chế Ủy ban Hỗn hợp (4/2010).

Kể từ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, Việt Nam và Timor-Leste đã tiến hành nhiều cuộc viếng thăm cấp cao. Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm sang dự Lễ tuyên bố độc lập của Timor-Leste (5/2002); Bộ trưởng Ngoại giao José Ramos Horta thăm Việt Nam (3/2003); Tổng thống Timor-Leste thăm chính thức Việt Nam (8/2005). Ngoại trưởng Zacarias Albano da Costa và Bộ trưởng Công thương và Du lịch Gil da Costa Alvis thăm Việt Nam (9/2009). Tổng thống Hose thăm chính thức Việt Nam (4/2010).

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực khác 

Kim ngạch thương mại song phương biến động nhiều, chủ yếu là Việt Nam  xuất khẩu gạo, thủy sản sang Timor-Leste: năm 2012 đạt 34,4 triệu USD, năm 2011 đạt hơn 13 triệu USD, năm 2010 đạt 53 triệu USD, năm 2009 đạt 99 triệu USD.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel) hiện có dự án đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông tại Timor-Leste trị giá gần 15 triệu USD.

Hai nước còn có tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dầu khí, thuỷ sản, xây dựng cơ sở hạ tầng; trao đổi hàng nông sản, dệt may, hàng tiêu dùng, máy công nghiệp, thiết bị điện…

Cộng đồng người Việt Nam tại Timor-Leste đã hình thành, tuy không nhiều (hiện có khoảng 40 người Việt và 35 cán bộ Viettel đang sinh sống, làm việc tại Timor-Leste).

Tới thời điểm hiện tại, hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về Thương mại Gạo giai đoạn 2010 – 2012 (9/2009), Hiệp định khung về Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế (4/2010) và đang đàm phán để chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, Bản Ghi nhớ về Hợp tác Y tế và Bản Ghi nhớ về Hợp tác Nông nghiệp./.

Theo VOV


Lượt xem: 20

Trả lời