Bão chà xát suốt 4 giờ 30 phút

Cập nhật 01/10/2013, 10:10:36

Từ 16 đến 18 giờ ngày 30-9, tâm bão số 10 (Wutip – Con bướm) đổ bộ vào phía bắc tỉnh Quảng Bình. Tại thị trấn Ba Đồn đã ghi nhận được có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14, Đồng Hới cũng có gió giật trên cấp 12.

 

Bà Phạm Thị Hoa (Gia Minh, Quảng Ninh, Quảng Bình) thoát chết trong gang tấc khi trạm thu phát sóng di động của MobiFone cao 62m bị bão quật ngã phạt đổ một góc nhà nơi bốn mẹ con bà đang trú bão – Ảnh: Thuận Thắng

Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nhận định đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền từ khi bão Xangsane vào năm 2006.

Khi vào đất liền bão vẫn duy trì gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 14. Ở nhiều nơi xa tâm bão như đảo Lý Sơn, Bạch Long Vĩ, Hòn Ngư có gió giật mạnh cấp 9, đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh cấp 12, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh cấp 11. Ở các tỉnh thành từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa mưa to với lượng mưa phổ biến 50-120mm, một số nơi có mưa lớn hơn.

Cũng theo ông Hải, do cơn bão mạnh nên sau khi vào bờ bão số 10 không tan nhanh mà vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, suy yếu dần.

Vì vậy, đợt mưa do hoàn lưu bão gây ra tại các tỉnh miền Trung sẽ kết thúc ngày 1-10. Riêng các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh mưa còn kéo dài thêm một đến hai ngày. Bão mạnh và chậm tan đã tạo ra sức tàn phá khủng khiếp trên dải đất bắc miền Trung. Chỉ sau vài giờ nhiều đô thị đã tan hoang.

Nhiều nhà dân thắp lên những ánh nến le lói… Người dân đội áo mưa ra đường tìm các vật dụng bị gió giật, vương vãi trước đó.

Đồng Hới như bãi chiến trường

Đi một vòng thành phố chúng tôi thấy ngổn ngang cây cối, trụ điện gãy đổ. Những bảng hiệu, những tấm panô, biển quảng cáo lăn lóc dưới lề đường. Từng hàng trụ điện gãy nằm ngang dọc trên các tuyến phố, dưới lòng đường nước ngập lênh láng.

Cũng trong tối 30-9, tại UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có những nhận định đầu tiên về cơn bão số 10.

Theo ông Phát, bão số 10 mạnh nhưng độ tàn phá không bằng bão Xangsane quét qua Đà Nẵng năm 2006. “Tôi đi quanh một vòng thành phố Đồng Hới thấy nhà dân còn kiên cố, thiệt hại không nhiều như ở Đà Nẵng năm đó nên rất mừng. Tuy nhiên để đánh giá thiệt hại của cơn bão này thì vẫn phải đợi thống kê từ các địa phương. Trong mười năm tham gia phòng chống lụt bão, tôi mới được báo cáo bão giật cấp 14”.

 

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài nhận định: “Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất tấn công Quảng Bình mà tôi nhìn thấy. Bão tràn qua Đồng Hới gió cấp 11, giật cấp 12, riêng ở Quảng Trạch gió cấp 12, giật cấp 14. Cơn bão rất kỳ dị tàn phá dài đến 4 giờ 30 phút mới tan”.

Ông Hoài cho biết các huyện miền núi chưa thể thống kê hết thiệt hại. Trước mắt chính quyền tỉnh cho bộ đội và dân quân cố gắng thông xe để cứu trợ và cứu thương. Hiện tại mọi liên lạc bị cắt đứt với chính quyền cấp dưới nên những thiệt hại chưa thể thống kê.

Bão qua, lũ lên

Bão qua, hiện tại nước sông Gianh đang dâng nhanh chóng khiến nỗi lo lũ chồng sau bão đang ập đến với người dân Quảng Bình. Cây xanh dù đã cắt cành nhưng bị đổ rất nhiều. Các trạm phát sóng Viettel và Vinaphone hư hỏng, các vườn cao su gãy đổ khoảng 10.000ha. Đây là thiệt hại rất lớn. Giao thông tắc, một số tỉnh lộ bị ngập, nhất là ở huyện Lệ Thủy. “7g sáng mai (1-10) tỉnh sẽ họp tất cả ngành nắm lại tình hình thiệt hại để báo cáo về cơn bão này” – ông Hoài nói.

Theo thống kê ban đầu, cơn bão đã làm hai cán bộ kỹ thuật của Đài Tiếng nói VN (vov) tại Đồng Hới tử vong, một người bị thương. Vào thời điểm gió giật mạnh, ba người này đã chạy ra ngoài xem trụ ăngten có vấn đề gì không thì bất ngờ trụ đổ ập.

Vụ tai nạn đã khiến hai người chết tại chỗ, người còn lại đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tháp ăngten này vừa được đưa vào sử dụng năm 2012, cao 150m. Ông Hoài cho biết đây là công trình xây dựng thuộc trung ương quản lý nên tỉnh không có ý kiến gì về vấn đề này.

Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương lúc 21g tối 30-9 tại Quảng Bình, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: “Ngay trong đêm 30-9, ngành giao thông phải khôi phục ngay các tuyến quốc lộ 1, các tuyến liên huyện để đảm bảo việc ứng cứu sau lũ. Yêu cầu Bộ Thông tin – truyền thông phải xử lý nhanh vấn đề nghẽn mạng thông tin để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt”.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Quảng Bình thực hiện ngay chính sách hỗ trợ cho người dân vùng lũ, bão, người chết, bị thương theo cơ chế chính sách.

Trước đó, trưa 30-9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dẫn đầu đoàn công tác của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đi thẳng từ Huế ra Quảng Trị, đến thị sát và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 10 tại các xã duyên hải hai huyện Gio Linh và Triệu Phong. Sau buổi làm việc, đoàn đã ra đến Quảng Bình đúng vào lúc tâm bão đổ bộ vào tỉnh này.

 

Theo Tuổi Trẻ Online


Lượt xem: 31

Trả lời