Vaccine và người thân

Cập nhật 02/11/2021, 13:11:00

Vắc xin COVID-19 giúp hệ miễn dịch của con người nhận biết và sẵn sàng chống lại virus nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiêm vắc xin là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khoẻ. Dựa trên những gì đã biết về vắc-xin đối với các bệnh khác và dữ liệu ban đầu từ các thử nghiệm lâm sàng, các chuyên gia tin rằng tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cũng giúp ngăn ngừa khả năng bị bệnh nặng ngay cả khi đang nhiễm COVID-19. Bài nghiên cứu của Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales chia sẻ trong 1 bài viết mới đây đăng trên VN Express. Chúng tôi xin được lược trích bài viết này trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine.

 Theo nội dung bài viết: Mới tuần trước, một nghiên cứu đáng chú ý của nhóm nhà khoa học Na Uy và Thụy Điển công bố trên tập san Y khoa JAMA Internal Medicine cung cấp dữ kiện có thể trả lời các câu hỏi về vấn đề tiêm vắc xin. Trong đó có 1 câu hỏi rất quan trọng là: Nếu trong nhà có người đã miễn nhiễm (tức đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi Covid-19) và có người chưa tiêm thì sao?Để trả lời câu hỏi trên, nhóm nghiên cứu đã theo dõi trong khoảng một tháng 814.806 gia đình gồm 1.789.728 người. Mỗi gia đình có hai đến năm thành viên. Trong mỗi nhà có người đã được tiêm và chưa tiêm vaccine.

Ở gia đình gồm hai người: Nếu trong nhà không có ai miễn nhiễm thì xác suất bị nhiễm là 3,3%. Nhưng nếu một người đã tiêm vaccine thì xác suất người chưa tiêm bị nhiễm là 2,7%. Như vậy, có một người miễn nhiễm trong gia đình giảm nguy cơ lây nhiễm chừng 20%.

Gia đình ba người: Nếu chưa ai tiêm vaccine thì xác suất bị nhiễm là 13%. Nếu một người đã tiêm vaccine thì xác suất hai người chưa tiêm kia bị nhiễm giảm xuống còn 6,3%. Nếu hai người được tiêm vaccine thì người chưa tiêm có xác suất bị nhiễm là 4,2%.

Gia đình bốn người: Nếu chưa ai tiêm vaccine thì xác suất bị nhiễm là 42%. Nếu một người được tiêm thì ba người còn lại có xác suất bị nhiễm là 18%. Nếu hai người đã tiêm thì xác suất hai người còn lại chưa tiêm bị nhiễm là 7%. Nếu ba người đã tiêm vaccine thì xác suất người thứ tư sẽ bị nhiễm là 5%.

Gia đình năm người: Nếu chưa ai tiêm vaccine thì xác suất bị nhiễm lên đến 70%, nhưng xác suất này giảm dần theo số người được tiêm vaccine.

Những con số trên hết sức công phu và thú vị. Nó nói lên một quy luật mà chúng ta ai cũng cảm nhận được rằng: Gia đình càng có nhiều người thì xác suất lây nhiễm càng cao; gia đình càng có nhiều người miễn nhiễm thì khả năng bảo vệ càng cao cho các thành viên còn lại.Một phát hiện quan trọng khác của nghiên cứu này là dù mới tiêm một mũi, hiệu quả chống lây nhiễm trong gia đình cũng giống như tiêm hai mũi hay miễn dịch tự nhiên.Kết quả trên cũng nói lên rằng tiêm chủng vaccine quả thật giảm nguy cơ bị nhiễm cho chính người được tiêm và cộng đồng.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ thêm: Vẫn còn một câu hỏi cũng rất quan trọng khác: Nguy cơ tử vong sau khi tiêm vaccine là bao nhiêu? Theo tác giả tra cứu và tìm thấy số liệu từ Anh cho thấy: Tỷ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 ở người được tiêm hai liều vaccine trong vòng 21 ngày sau khi tiêm chủng là 1,6%. Tỷ lệ này ở người không tiêm vaccine là 37,4%. Như vậy, vaccine rõ ràng có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong.

Do đó, bài viết này để nói hai điều quan trọng: Tiêm vaccine, dù chỉ một mũi, sẽ giảm nguy cơ bị nhiễm, bị tử vong cho chính người được tiêm và giảm lây nhiễm cho những người xung quanh; dù đã tiêm, tất cả chúng ta vẫn phải thực hành nghiêm 5K và có biện pháp giảm lây nhiễm nơi đông người./.

BT: Lê Thư, Minh Trung


Lượt xem: 9

Trả lời