Trải nghiệm cung đường đỉnh đá trắng

Cập nhật 21/1/2022, 19:01:27

    Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh chiếm phần lớn diện tích vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới – Cao nguyên Kon Hà Nừng với hệ sinh thái động – thực vật vô cùng phong phú, đa dạng và đặc sắc và nhiều điểm đến hấp dẫn, rất phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi đã có dịp đi cùng những nhân viên của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh để cùng trải nghiệm cung đường lên đỉnh đá trắng – một trong những điểm đến cực kỳ hấp dẫn, lý thú ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.

 

Từ TP. Pleiku vượt chặng đường hơn 40 km, chúng tôi tới khu trung tâm hành chính của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm trên địa bàn xã Ayun, huyện Mang Yang. Sau những phút nghỉ ngơi, các anh em của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đã dẫn chúng tôi đi sâu vào bên trong để bắt đầu chinh phục đỉnh đá trắng. Điểm đến đầu tiên trên cung đường này là quần thể cây đa cổ thụ có tuổi đời từ 300 đến 800 năm tuổi với nhiều cá thể lớn có bộ rễ với những hình thù rất đặc biệt. Ngoài tiếng chim hót líu lo thì tại đây du khách có thể bắt gặp được những đàn ong mật xây tổ hay dừng chân trên những thân cây lớn.

       Men theo con đường mòn trong rừng, chúng ta được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành với những dòng suối chảy len lỏi dưới tán những cây cổ thụ. Hòa với tiếng suối róc rách, tiếng gió thổi vi vu len qua kẽ lá là âm thanh của muôn loài chim, thú. Đến với điểm dừng chân đầu tiên là Trạm nghiên cứu do Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh phối hợp với Hội Động vật học Frank furt (một tổ chức phi chính phủ nước ngoài của nước Đức) chuyên nghiên cứu về loài Voọc chà vá chân xám – một là loài linh trưởng đặc hữu ở Việt Nam.

Ông Đinh Khánh Toàn, GĐ Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cho biết: “Để chúng ta gặp được loài linh trưởng quý hiếm này thì có rất nhiều tuyến điều tra khác nhau. Và ngày hôm nay trời rất là đẹp nên chúng ta sẽ đi theo hướng lên đỉnh đá trắng. Là nơi có thể bắt gặp loài Voọc chà vá chân xám đi ngang qua tìm thức ăn và nghỉ trưa ở đó”.

     Sau khoảng 15 phút nghỉ ngơi, chúng tôi lại tiếp tục lên đường chinh phục những con dốc để lên đến đỉnh đá trắng. Dường như những mệt nhọc cũng qua đi khi được hòa mình với cảnh quan thiên nhiên của núi rừng. Giữa lưng chừng dốc, có thêm một điểm dừng chân nữa với những cây gỗ cổ thụ có đường kính phải 4 đến 5 người ôm.

Ông Bùi Văn Đỉnh, Nhân viên du lịch, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nói: “Anh em thấy không, cây sao cổ thụ này chắc hơn trăm tuổi rồi. Trên tuyến đường lên đỉnh đá trắng thì ta sẽ bắt gặp cây sao cổ thụ rất to này. Nếu anh em vào đây tham quan thì đây là điểm dừng chân để chụp những bức ảnh lưu niệm với những cây cổ thụ như thế này để có sự trải nghiệm trong rừng”.

     Bỏ lại sau lưng những mệt nhọc, sau hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã chinh phục được đỉnh đá trắng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh với chiều cao hơn 1.300m so với mặt nước biển. Một khoảng trời bao la, rộng lớn mở ra trước mắt với những cánh hoa rừng khoe sắc thắm báo hiệu mùa Xuân về.

Đỉnh đá trắng-một trong những điểm cao nhất ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Nơi đây vào những thời điểm trong ngày chúng ta có thể bắt gặp được loài Voọc chà vá chân xám – một trong những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới và chỉ có ở Việt Nam. Trên đỉnh đá trắng này thì chúng ta có thể phóng tầm mắt để tận hưởng và được hòa mình vào với thiên nhiên của đại ngàn núi rừng xanh thẳm.

     Sau khoảng thời gian hòa mình, đắm chìm vào với thiên nhiên và vô số những bức ảnh Check-in lưu lại làm kỷ niệm, chúng tôi cùng nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng bữa ăn nhẹ trước khi tạm biệt đỉnh đá trắng. Và trong những ngày đầu Xuân năm mới, mọi người hãy sách ba lô và đi để cùng tận hưởng cảm giác  thú vị, lý thú và được hòa mình vào với thiên nhiên trên cung đường chinh phục đỉnh đá trắng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh ./.

Đức Hải, Viễn Khánh   


Lượt xem: 3

Trả lời