Thư pháp của những hoàn cảnh đặc biệt

Cập nhật 27/1/2022, 09:01:40

Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật kén người theo, bởi đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn và khéo léo. Thế nhưng, có những người đã vượt qua những định nghĩa đó để đến với thư pháp, xem đó là niềm vui, là để tìm thấy cho riêng bản thân mình những cân bằng trong cuộc sống. Những hoàn cảnh đặc biệt có niềm đam mê với bộ môn thư pháp mà chúng tôi giới thiệu sau đây là ví dụ.

 Mỗi năm Xuân chỉ đến một lần. Nhưng với chị Phan Tú Hậu, ở tổ 3, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, Xuân luôn đến bên mình mỗi khi chị cầm bút lông và thảo những nét chữ trên những sản phẩm dành cho nghệ thuật thư pháp – bộ môn mà gần 1 năm nay chị đã vô tình bén duyên với nó. Với chị, có lẽ thư pháp cùng Sen đá sẽ là những người bạn tri kỉ để chị giải bày những tâm sự của bản thân mình.

Chị Phan Tú Hậu, Tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku bày tỏ: “Tôi rất vui khi biết tới bộ môn thư pháp. Tôi rất đam mê thư pháp, tuy không nói được nhưng rất cố gắng để học viết được thư pháp. Nó giúp tôi một phần nào đó trong công việc và cũng mong muốn thư pháp mang lại sự bình an nhẹ nhàng tới mọi người mỗi dịp Tết đến”.

Em Lê Hoàng Thảo Nguyên (cháu chị Phan Tú Hậu), Tổ 3, phường Hội Phú, TP. Pleiku nói: “Con là cháu của dì Hậu. Dì con không nói được nhưng lại rất đam mê thư pháp. Khi mà con học xong thì con hay ra giúp dì con bán hàng. Khi mà khách không hiểu những cử chỉ mà dì con ra dấu thì con hay dịch lại cho khách. Con mong dì con vượt qua được những chướng ngại vật trong cuộc sống”.

Còn đây là một hoàn cảnh khác. Trong ngôi nhà 5 người này ở thôn 2, xã Trà Đa, thành phố Pleiku, chỉ một mình em Huỳnh Lương Phương Trúc là hoàn toàn khỏe mạnh. Mẹ của em, dù bị bệnh về cột sống nhưng 2 năm nay vẫn là trụ cột kinh tế của gia đình. Thế nhưng, với Phương Trúc, những khó khăn mà gia đình gặp phải trong cuộc sống dường như đã được để lại phía sau mỗi khi em miệt mài bên nét chữ thư pháp. Góc sân này là khoảng không gian lý tưởng để em trưng bày các sản phẩm là kết quả của niềm đam mê. Qua những bức thư pháp, Phương Trúc như đã gửi gắm những mong ước của bản thân mình vào trong từng nét bút.

Em Huỳnh Lương Phương Trúc, Thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku chia sẻ: “Thư pháp là một nghệ thuật để con biết thêm về chữ Việt của chúng ta, giúp em lạc quan tinh thần hơn và viết được những câu đối hay treo trong nhà thì nó có không khí vui tươi. Con mong muốn gia đình con được khỏe mạnh. Gia đình con thì không có dư giả gì nên con chỉ mong gia đình con được khỏe mạnh”.

Nhằm hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội phát triển bản thân thông qua bộ môn nghệ thuật thư pháp, ngoài việc tổ chức dạy miễn phí, Câu lạc bộ thư pháp chữ Việt thành phố Pleiku còn phân công các thành viên trong Câu lạc bộ thường xuyên đến tận nhà để hỗ trợ về vật chất, cũng như động viên về tinh thần. Với những người bình thường, hướng dẫn để họ viết được những nét cơ bản của thư pháp chữ Việt đã khó, còn với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt như chị Hậu, em Trúc thì càng chẳng hề đơn giản.

Chị Nguyễn Thị Xuân Oanh, Chủ nhiệm CLB Thư pháp chữ Việt TP. Pleiku cho biết: “Trong quá trình hướng dẫn các anh chị em gặp hoàn cảnh khó khăn thì anh em CLB Thư pháp cũng gặp khá nhiều khó khăn.Nhưng vì niềm đam mê thư pháp của anh chị em rất là mạnh mẽ nên chúng tôi cũng tìm hiểu những phương pháp nhằm giúp cho các anh chị em có những nét bút đẹp. Đó là niềm vui và cũng là động lực lớn để CLB phát triển thêm và giúp đỡ thêm những hoàn cảnh khó khăn như vậy”.

Tuổi tác, hay những khiếm khuyết của bản thân, hoặc những khó khăn trong cuộc sống là thứ có thể ngăn cách với một vài môn học, nhưng với thư pháp thì không. Dù đó là ai, dù giàu sang hay nghèo khó, khiếm khuyết hay bình thường thì khi đến với thư pháp, ai cũng có hạnh phúc riêng của mình. Với những “bà đồ” như Phan Tú Hậu, hay Huỳnh Lương Phương Trúc, họ luôn tìm thấy cho mình những mùa Xuân, những ngày Tết, mỗi khi cầm trên tay cây bút lông dành cho bộ môn nghệ thuật thư pháp./.

Quốc Linh, Thanh Sáng


Lượt xem: 2

Trả lời