Sắc xuân trên thổ cẩm của người Jrai

Cập nhật 29/1/2019, 08:01:58

Mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có một nét văn hóa riêng, với người dân tộc Jrai thì thổ cẩm chính là thứ để kể lại cho con cháu đời sau nghe những chuyện của thế hệ đi trước. Vì vậy mỗi sản phẩm làm ra không chỉ đẹp bởi những hoa văn tinh tế, đẹp về hình thức trang trí mà trong đó còn ẩn chứa sắc thái văn hóa, thể hiện tâm hồn phong phú của họ. Như lẽ thường tình vậy, trong không khí của các lễ hội, của tiết trời vào Xuân, sắc màu thổ cẩm cũng có dịp được khoe sắc giữa thiên nhiên, đất trời. Điều đó càng làm cho mùa Xuân thêm xốn xang, rộn ràng hơn.

Đến mới thấy, nghe mới hiểu, bằng đôi bàn tay khéo léo, các bà, các chị người dân tộc Jrai  đang dệt những tấm thổ cẩm lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc.

Thổ cẩm của người Jrai không đơn thuần chỉ là tấm vải bình thường, mà ẩn chứa trong đó là cả tâm hồn của người đồng bào Jrai. Mỗi sản phẩm thổ cẩm đều mang vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, đồng thời nói lên sự cần cù, sáng tạo của người phụ nữ.

Nghệ nhân Rơ Mah Hlúp, Làng Mốc Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ nói: “Mình dệt tấm vải này để may áo véc, nhờ họ may cho. Mình dệt nhiều để mình bán, già thì biết dệt nhiều còn mấy đứa trẻ nó đang tập thôi”.

Chị Ra Lan Yưt đam mê với nghề dệt thổ cẩm từ khi chưa tròn 17 tuổi, chị được mẹ hướng dẫn cách dệt vải, pha màu sắc cũng như cách dệt các loại hoa văn. Giờ đây, chị Yưt đã trở thành một trong những người dệt thổ cẩm đẹp nhất làng Choét 1, xã Chư Á, Tp. Pleiku vinh dự tham gia lễ hội về trình diễn nghệ thuật dệt thổ cẩm của dân tộc mình.

Chị Yưt nói: “Để có sản phẩm tham gia lễ hội mình phải chuẩn bị cả tháng, sản phẩm ở đây là mấy cái áo nam, áo nữ và cả áo trẻ nhỏ. Mình cảm thấy vui lắm, do hồi xưa dân tộc mình chưa được như thế này, giờ có dịp được bán các sản phẩm của mình nên vui. Mong rằng sản phẩm thổ cẩm của dân tộc mình được nhiều người biết đến”.

 Tuỳ theo từng bộ phận của trang phục mà người dệt có cách thể hiện hoa văn – tạo hình đặc trưng. Nhưng nguyên tắc chung thì người Jrai bố trí các mô típ và màu sắc hoa văn đan xen vào nhau làm sao cho nổi bật lên các hoa văn chủ đạo. Dựa trên 4 màu cơ  bản là đỏ, đen, vàng, trắng người ta có cách kết hợp từng màu sắc đó lại với nhau để khi nhìn tổng thể một sản phẩm vẫn nổi lên được màu chủ đạo là màu đỏ. Đó là những nét cơ bản đòi hỏi người mới dệt phải tìm hiểu, còn khi đã yêu nghề, gắn bó với nghề thì người phụ nữ Jrai lại có khát vọng cao hơn.

Chị Rơ Châm H’Panh, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm Làng Bồ 1, xã Ia Yok, huyện Ia Grai chia sẻ: “Tôi biết dệt tôi cũng trao đổi với một số chị em nên thành lập tổ dệt thổ cẩm và tôi cũng đưa ý tưởng này này Hội LHPN xã Ia Yok.

Mục đích chúng tôi thành lập tổ dệt thổ cẩm là để tăng thêm thu nhập cho chị em trong làng, thứ hai là chúng tôi gìn giữ bản sắc văn hóa của chúng tôi, thứ 3 là chúng tôi dạy cho các em và các cháu sau này”.

Có thể thấy trên trang phục của người Jrai, các mô típ hoa văn sống động phần nào biểu hiện tâm tư tình cảm, quan điểm thẩm mỹ, và cả niềm tin tôn giáo của họ chứ không đơn thuần chỉ là giá trị vật chất. Do đó mà qua những hoạt động giao lưu, văn hóa nghệ thuật, thi trang phục các dân tộc thiểu số, vẻ đẹp trang phục thổ cẩm của đồng bào Jrai tiếp tục được tỏa sáng, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc Jrai./.

Lệ Xuân;  R’Piên

 


Lượt xem: 456

Trả lời