Nhìn lại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 và những triển vọng trên đường phát triển

Cập nhật 19/1/2017, 15:01:56

Với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư khá đồng bộ, đặc biệt Gia Lai là địa phương có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên thời gian qua, việc đầu tư khai thác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có. Với mong muốn đưa Gia Lai thoát khỏi vùng trũng đầu tư, chuyển mình vươn lên bắt nhịp cùng với sự phát triển chung của cả nước, ngoài các chương trình đầu tư của Chính phủ, Gia Lai đã và đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào địa bàn tăng thêm nguồn lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển mạnh mẽ. Và Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh về khát vọng vươn lên khi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được đầu tư khai thác thông qua các dự án phát triển kinh tế – xã hội ký kết tại hội nghị.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Gia lai đã trao Quyết định chứng nhận đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư 5.646 tỷ đồng và thực hiện ký cam kết hợp tác đầu tư đối với 12 dự án với tổng số vốn đăng ký lên đến 15.320 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, Gia Lai đã kêu gọi được một số dự án ứng dụng công nghệ cao về sản xuất rau màu, nhà máy chế biến dược liệu, nhà máy ép trái cây, phát triển chăn nuôi bò thịt. Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Trường ĐH Tây Nguyên đây cũng là thế mạnh của tỉnh Gia Lai nếu được đầu tư khai thác sẽ rất dễ thành công, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Trường ĐH Tây Nguyên cho biết: “Ngoài các cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Gia Lai như: cà phê, hồ tiêu, cao su…Gia Lai cũng có lợi thế phát triển một số cây trồng khác. Trong đó có cây mì, là cây xóa đói giảm nghèo thì cũng phải cần tính tới. Bên cạnh đó còn có một số loại cây trồng dược liệu, rau hoa các loại cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao”.

Ngoài các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, một số dự án công nghiệp, thương mại, du lịch cũng đã được ký kết với quy mô, tổng vốn đầu tư tương đối lớn. Điển hình dự án Nhà máy điện sinh khối An Khê, công suất 95MW, tổng vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng; dự án Nhà máy nước sạch công suất 9.500 m3/ngày đêm tại thị xã An Khê, tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp sân tập golf và khu biệt thự nhà ở tại huyện Đak Đoa, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện mặt trời tại Krông Pa (49 MW), tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng; Dự án Đường Nguyễn Văn Linh, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.500 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp du lịch quốc tế Núi lửa Chư ĐăngYa – Biển Hồ, diện tích 6.000 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.

Với 22 dự án đã được trao Quyết định đầu tư và thực hiện ký cam kết tại Hội nghị sẽ mang đến cho Gia Lai một nguồn đầu tư tương đối lớn để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản xuất nông nghiệp cũng như công nghiệp, thương mại, du lịch. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để đưa Gia Lai sớm thoát khỏi vũng trũng đầu tư, nền kinh tế sẽ có được những bức phá mạnh mẽ tương xứng với tiềm năng thế mạnh hiện có. Trong bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016,  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cũng đã bày tỏ kỳ vọng về sự chuyển mình của nền kinh tế Gia Lai thông qua các dự án đầu tư đã được ký kết lần này. “ Với sự chung tay, nỗ lực của các địa phương trong vùng, của các tỉnh, thành phố, sự đồng hành, hợp tác của các nhà đầu tư cùng với khát vọng đổi mới, vươn lên của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai, tin chắc rằng những kết quả từ Hội nghị sẽ mang đến cho Gia Lai một luồng sinh khí mới, một sức mạnh mới, tạo đà cho Gia lai phát triển đồng hành cùng cả nước” Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết .

Đặc biệt tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những cam kết hỗ trợ để Gia Lai có điều kiện phát triển, từ đó các nhà đầu tư hoàn toàn yên tâm khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư vào Gia Lai.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “ Sẽ quy hoạch phát triển nguồn nước ở Tây Nguyên. Vấn đề giữ rừng, xây dựng hồ chứa…Nếu CP không làm tốt điều này Tây Nguyên sẽ dễ trở thành sa mạc. CP phát triển tốt hơn hệ thống hạ tầng ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến Quốc lộ, mở rộng sân bay Pleiku để giao thương thuận lợi ở khu vực này. Xây dựng một cơ chế chính sách ưu đãi hơn, giao cho Bộ KHĐT thực hiện để làm sao chi phí đầu tư ở đây thấp để đảm bảo chi phí cho nhà đầu tư. Sẽ làm tốt chiến lược kết nối giữa VN – Lào – CamPuChia. Giao cho Bộ Nông nghiệp đề xuất một số cơ chế để đảm bảo sản phẩm đầu ra”.

Với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, quan trọng hơn nữa là Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những cam kết hỗ trợ cho Gia Lai phát triển…Gia Lai sẽ đón nhận nhiều cơ hội để đưa nền kinh tế Gia lai chuyển mình vươn lên, phát triển xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên.

Hồng Uyên,Thanh Sáng


Lượt xem: 37

Trả lời