Người góp phần bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm

Cập nhật 03/5/2023, 07:05:20

Nghề dệt thổ cẩm là một trong những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống của đồng bào Bahnar, Jrai ở Tây Nguyên. Luôn nặng lòng với văn hóa truyền thống, cùng với bàn tay tài hoa, khéo léo, chị Đinh Thị Drinh ở tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro đã đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Bahnar. Những sản phẩm đặc sắc của chị Đinh Thị Drinh cùng các chị em phụ nữ ở địa phương làm ra đã góp phần làm cuộc sống đẹp hơn.

Vào mỗi lúc nông nhàn, chị Đinh Thị Drinh và các thành viên trong Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm ở tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro đến nhà rông của địa phương để cùng học hỏi, truyền nghề và làm ra các sản phẩm. Tình yêu nghề dệt thổ cẩm đã lớn dần trong chị Đinh Thị Drinh theo năm tháng. Được bà và mẹ trao truyền nghề từ nhỏ, chị Đinh Thị Drinh không ngừng học hỏi nên đã thành thạo, sở hữu những kỹ xảo dệt, làm ra những tấm hoa văn đặc sắc nhiều chị em ngưỡng mộ. Càng vinh dự và tự hào hơn đối với chị khi năm 2022 được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú vì đã có những cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Làm thế nào để dệt thổ cẩm của dân tộc mình không bị mai một mà ngày càng phát triển, trở thành nghề tạo thu nhập cho người dân địa phương là câu hỏi và sự trăn trở luôn thường trực trong chị Đinh Thị Drinh. Chinh vì vậy, chị đã tích cực truyền nghề và tình yêu với dệt thổ cẩm cho nhiều chị em phụ nữ.

Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Drinh – Tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro chia sẻ: “Từ nhỏ tôi rất thích dệt thổ cẩm. Tôi được bà, mẹ hướng dẫn cách dệt, rồi tiếp tục học ở nhiều nơi nên đã dệt thành thạo. Tôi thường đi hướng dẫn cho chị em ở nhiều địa phương như ở huyện Kbang, huyện Đak Pơ về dệt thổ cẩm. Chỗ nào cần, tôi đều tới hướng dẫn để góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.”

Để tạo ra những sản phẩm từ dệt thổ cẩm đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống đòi hỏi người dệt có sự tỉ mẩn, khéo léo, tinh tế, thành thạo các công đoạn, từ bông lựa se thành sợi, nhuộm màu, kỹ thuật tạo hoa văn.. Với sự “truyền lửa” của Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Drinh, nhiều chị em phụ nữ ở địa phương đã biết dệt, sản phẩm làm ra không chỉ để trang phục cho bản thân, gia đình, lễ hội ở địa phương mà còn bán để có nguồn thu nhập.

Chị Đinh Thị Sau – Tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro bày tỏ: “Hồi trước mình chưa biết dệt đâu, nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của chị Đinh Thị Drinh, nhất là chỉ mình thực hiện những công đoạn khó nên nay mình đã biết dệt nhiều sản phẩm.”

Kông Chro là một trong những điểm sáng của tỉnh Gia Lai về giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Hiện toàn huyện có 83 Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm, với gần 1.600 thành viên là phụ nữ người Bahnar ở đều khắp các thôn, làng trong huyện. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Drinh.

Ông Nguyễn Văn Đát – Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro nhận xét: “Chị Đinh Thị Drinh là một trong những người rất tâm huyết đối với văn hóa truyền thống của dân tộc. Với tay nghề và hiểu biết của mình, chị đã tích cực tham gia các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm do các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể ở địa phương tổ chức. Nhờ sự đóng góp của chị mà nghề dệt thổ cẩm ở địa phương đang được bảo tồn và phát huy.”

Bảo tồn, khơi thông và phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh của văn hóa để vừa góp phần tạo nền tảng tinh thần phong phú, vừa tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta. Cần biểu dương, nhân rộng những cống hiến, đóng góp của các tập thể, cá nhân như Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Drinh để “dòng sông” văn hóa miệt mài tuôn chảy, kết tinh thành những giá trị tốt đẹp, góp phần vào sự trường tồn và phát triển bền vững của dân tộc./.

Hà Đức – R’Piên


Lượt xem: 34

Trả lời