Lễ hội Hoa Dã quỳ – Núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017: Điểm nhấn của du lịch Gia Lai

Cập nhật 01/2/2018, 10:02:14

Lễ hội Hoa Dã quỳ – Núi lửa Chư Đăng Ya năm 2017 được tổ chức nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch của địa phương. Từ thành công của lễ hội, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch Gia Lai đang cùng với huyện chư Pah nỗ lực chung tay xây dựng thương hiệu “Hoa dã quỳ” thành lễ hội thường niên, là điểm nhấn của du lịch Gia Lai trong lòng người dân và du khách muôn phương.

Lễ hội Hoa dã quỳ – núi lửa Chư Đăng Ya được tổ chức từ ngày 01 – 03/12/2017, dưới chân núi Chư Đăng Ya, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah. Điểm nhấn của Lễ hội là đêm khai mạc với chương trình nghệ thuật đặc sắc thu hút được hàng ngàn du khách về với điểm du lịch này.

Chị Đặng Thị Thủy, Du khách Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình được tham gia lễ hội hoa cúc quỳ ở Tây Nguyên. Mình cảm thấy rất vui và hào hứng nữa. Bà con đồng bào ở đây họ mặc trang phục rất đẹp”.

Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp huyện nhằm mục đích giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, đất nước con người huyện Chư Pah. Ngay từ ngày đầu tiên của Lễ hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của ngọn núi lửa, ánh vàng rực rỡ của loài hoa dã quỳ trên các triền đồi mà còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa đậm chất Tây Nguyên như: đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, trình diễn cồng chiêng… Với bà con Jrai và Bana ở vùng đất này, đây cũng là dịp để bà con giới thiệu, quảng bá các sản vật đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, như: cơm lam, gà nướng, rượu ghè….

Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah cho biết: “Thông qua Lễ hội Hoa dã quỳ được UBND huyện tổ chức, đối với địa phương chúng tôi cũng rất mong muốn các nhà đầu tư đến tham quan các sản phẩm cũng như địa thế, địa hình của Chư Đăng Ya để các nhà đầu tư có hướng hỗ trợ địa phương trong vấn đề phát triển du lịch của tỉnh Gia Lai nói chung cũng như xã Chư Đăng Ya nói riêng; để rồi làm sao người dân chúng tôi trực tiếp là những người được hưởng lợi từ dịch vụ này”.

Với mong muốn xây dựng Lễ hội Hoa dã quỳ trở thành một thương hiệu du lịch mang đậm dấu ấn của Chư Pah nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân cùng làm du lịch để quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, truyền thống của đồng bào dân tộc tại đây.

Bà Trần Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pah cho biết: “Phải xác định rõ cho cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể của xã, đặc biệt là kêu gọi sự đóng góp của bà con nhân dân tham gia vào lễ hội. Từ việc bà con tích cực tham gia vào tổ chức lễ hội mới có hỗ trợ và giải quyết công ăn việc làm, có nguồn thu nhập để nâng cao đời sống của bà con nhân dân”.

Từ thành công của lễ hội, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang cùng với chính quyền địa phương nỗ lực chung tay xây dựng thương hiệu “Hoa dã quỳ” thành lễ hội thường niên, là điểm nhấn của du lịch Gia Lai trong lòng người dân và du khách muôn phương; thông qua các hoạt động kêu gọi đầu tư nhằm từng bước đưa du lịch Gia Lai trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bích Thủy, Xuân Huy


Lượt xem: 39

Trả lời