Gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc

Cập nhật 13/1/2016, 14:01:03

Dệt thổ cẩm là một trong những nét truyền thống của  người Ba Nar. Qua thời gian, nét đẹp ấy phần nào đang dần bị mai một do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Thế nhưng, đến với làng Sit Tơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang thì chúng ta sẽ thấy nét đẹp ấy vẫn còn hiện diện trong cuộc sống của người dân nơi đây. Bởi nó luôn được lưu giữ trong tâm thức và đôi tay của các bà, các mẹ, các chị.

 

 Nhiều người vẫn cố gắng lưu giữ nghề dệt để truyền cho con cháu sau này.

Bà Đinh Thị Hngen, năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn dệt vải một cách nhanh nhẹn, khéo léo. Mắt bà vẫn tỏ để bắt từng sợi chỉ, tạo ra nhiều họa tiết hoa văn độc đáo cho những chiếc áo, tấm chăn dệt ra. Bà cho biết: Từ năm 15 tuổi bà đã biết trồng bông, phơi bông, làm từng bước đầu tiên của việc dệt thổ cẩm. Vẫn còn nhớ như in những năm tháng cùng mẹ và chị trồng bông để dệt vải, bà kể rằng lúc đó bà chỉ biết dệt những chiếc túi đơn điệu một màu, nhưng bây giờ bà đã dệt được nhiều loại trang phục. Dệt thổ cẩm rất công phu, phải chờ đến mùa hái bông rồi qua nhiều giai đoạn mới làm ra cái khố, cái áo. Thời bấy giờ, cùng với đưa cơm, củ khoai, củ mỳ cho bộ đội, bà cùng mẹ mình và nhiều người trong làng còn dệt áo, khố đem cho anh em bộ đội.

          Bà Đinh Thị Hngen,  làng Sít Tơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang nói: “Hái bông rồi lấy hạt ra, làm nhuyễn bông, làm ra từng con bông nhỏ bằng ngón tay sau đó lên cung quay ra sợi. Muốn chỉ màu thì phải nhuộm. Ngày trước – kháng chiến dệt đem cho bộ đội, du kích phải giấu trong rừng  không giặc thấy là nó lấy nó đốt. Sau này chết đi, mình mong truyền lại được cho con cháu”.

Còn theo lời kể của bà Đinh Thị Hnger, cũng ở làng Sit Tơr, xã Tơ Tung: Trước đây hầu như vải dệt ra chỉ là một màu đen; muốn có sợi chỉ màu, các bà, các mẹ phải lên rừng tìm cây nhuộm; như màu đỏ thì lấy cây Kơ Chol, cây Kơ Trơng cho sợi chỉ màu vàng, màu đen là cây Trum hay tro của vỏ ốc suối. Sau này có người mang chỉ màu vào làng bán, việc dệt thổ cẩm cũng dễ dàng hơn, làm được nhiều hoa văn đẹp mắt. Nhưng bà vẫn chỉ thích tự tay làm ra từng sợi chỉ để dệt.

Hiện trong làng số người dệt giỏi còn rất ít, hầu hết tuổi cũng đều đã cao, nhưng nhiều người vẫn cố gắng lưu giữ nghề dệt để truyền cho con cháu sau này.

“Mình tự tay dệt áo cho chồng, con. Con trai thì khố, áo lọ; con gái thì áo, váy. Bây giờ có chỉ bán mình mua làm nhanh nhưng mà mình không thích, không mua về làm vì áo váy làm ra không giá trị bằng áo váy dệt từ những sợi chỉ mình tự làm.” Chị  Đinh Thị Hnger nói.

Những nghệ nhân lớn tuổi ở làng Sit Tơr, xã Tơ Tung, không chỉ dệt ra những bộ váy đẹp mà còn truyền lại cho thế hệ trẻ. Vào những ngày lễ hội, các mẹ vẫn thường nhắc nhở con cháu phải mặc áo truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay trong làng SitTơr có rất nhiều cô gái trẻ tuổi cũng biết dệt thổ cẩm.

Đinh Thị Băi, làng Sít Tơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang chia sẻ:  “Vì em thấy các mẹ, các chị dệt rất là đẹp nên em thích, em biết dệt là nhờ học từ mẹ để tự dệt lấy khỏi phải mất tiền mua. Bây giờ thì em đã tự tay làm cho mình được cái váy, cái áo và khăn để địu em bé nữa”.

Làng SitTơr, xã Tơ Tung hiện có hơn 70 phụ nữ biết dệt thổ cẩm. Những bộ trang phục truyền thống do chính bàn tay phụ nữ của làng làm ra đã và đang lưu giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Khoác lên mình những bộ trang phục này vào những dịp lễ, tết, người làng SitTơr như thêm hãnh diện hơn về dân tộc mình, về làng kháng chiến – quê hương Anh hùng cách mạng Đinh Núp./.

                                                     

Hồng Hạnh ( Đài TT-TH Kbang)


Lượt xem: 39

Trả lời