Giáo dục và Đào tạo Gia Lai – Một năm vượt thử thách

Cập nhật 27/1/2022, 09:01:18

Năm 2021 có một năm đầy khó khăn và thử thách trên nhiều lĩnh  vực của cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng do những tác động tiêu cực của dịch Covid – 19. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng không nằm ngoài những tác động đó. Tuy nhiên, với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nên cùng với thành công chung trong toàn tỉnh, công tác giáo dục và đào tạo của Gia Lai cũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Một trong những thử thách lớn nhất đối với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai trong năm 2021, đặc biệt là học kỳ I của năm học 2021 – 2022, là các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phải thường xuyên chuyển đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến, và ngược lại do những tác động của dịch Covid – 19. Riêng đối với thành phố Pleiku, hình thức học tập trực tuyến được áp dụng gần như trong cả học kỳ I. Tuy nhiên, không vì thế mà chất lượng giáo dục đại trà của các trường bị giảm sút, mặc dù đây là năm đầu tiên  áp dụng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6.

Thầy giáo Trương Tiến Sỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku cho biết: “Mặc dù có những khó khăn do dịch bệnh Covid, có những em là có người thân bị nhiễm bệnh, nhưng với tinh thần dạy học trực tuyến, thì các em vẫn tiếp tục học và nắm bắt những kiến thức một cách tốt nhất. Qua kết quả kiểm tra giữa học kỳ I cũng như cuối học kỳ I thì chất lượng dạy học của nhà trường được đánh giá đúng thực chất và đúng chất lượng của các em”.

Đối với các trường học ở vùng sâu, vùng xa, khi dịch bệnh Covid – 19 có chiều hướng diễn biến phức tạp tại những nơi này, nhiều học sinh là F1, F2 phải đi cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều em không có thiết bị để học tập trực tuyến, thì bằng nhiều cách khác nhau, giáo viên đã có những hỗ trợ nhất định nhằm giúp các em có thể bắt kịp chương trình một cách tốt nhất.

Cô giáo Trần Thị Mai Hương, Giáo viên Trường THCS Ngô Quyền, xã Ia Dreh, huyện Krông Pa nói:  “Riêng tôi là giáo viên chủ nhiệm thì tôi nhờ các bạn trong lớp cho các bạn cách ly ở nhà mượn vở để chép bài hàng ngày. Còn riêng bộ môn của tôi thì sau khi các em đi học trở lại thì tôi cũng phụ đạo nhằm củng cố kiến thức cho các em để các em theo kịp tiến độ học ở trên lớp”.

Chính nhờ những nỗ lực, tâm huyết với nghề của đội ngũ thầy cô giáo, cũng như quyết tâm vượt khó khăn của các em học sinh, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành và toàn xã hội nên trong năm 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đáng kể như ngoài thích ứng và từng bước thực hiện việc chuyển đổi số để thực hiện “mục tiêu kép” trong lĩnh vực giáo dục, thì chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn và giáo dục vùng dân tộc thiểu số cũng đã được nâng lên rất nhiều.

Ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai trao đổi: “Đây là năm đầu tiên mà tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh cao hơn tỉ lệ trung bình của cả nước, và tỉ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh DTTS đạt rất cao, với 92%. Điều đó chứng tỏ giáo dục vùng dân tộc của tỉnh có nhiều sự phát triển; thứ 3 là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì tỉnh Gia Lai đạt 29 giải, trong đó có giải Nhất, và trong 5 tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai đã vươn lên xếp thứ 2”.

Bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục. Thời cơ, thuận lợi nhiều, song khó khăn, thách thức chưa phải đã hết. Bởi dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục tác động lớn tới các hoạt động của ngành. Do vậy, dịch bệnh được đẩy lùi sẽ là mong ước rất lớn của cả xã hội nói chung, và các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh nói riêng.

Cô giáo Vũ Thị Giang, Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông mong muốn: “Mong cho dịch bệnh qua mau để các con được đến trường hàng ngày như những năm học trước, và được giao lưu, học các hoạt động trải nghiệm và các hoạt đông ngoài trời cho chất lượng được tốt hơn. Chứ năm nay là từ đầu năm tới giờ các con cứ ngồi trong lớp thôi. Giờ ra chơi cũng không được ra, những hoạt động trải nghiệm cũng không có, nên là rất thiệt thòi cho các con”.

Với kinh nghiệm quý báu về vượt khó trong đại dịch Covid-9, cộng với những thành quả chắt chiu trong suốt giai đoạn vừa qua, hy vọng mỗi cán bộ, giáo viên và các em học sinh trong tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đồng lòng, vượt khó và cùng nỗ lực để đạt được thành công mới, đưa sự nghiệp “trồng người” của tỉnh nhà tiếp tục khởi sắc./.

 Quốc Linh, Phi Long, CTV Sơn Trung (Krông Pa)


Lượt xem: 1

Trả lời