Gia Lai đột phá từ những công trình giao thông trọng điểm

Cập nhật 27/1/2021, 15:01:28

Từ nguồn vốn của Trung ương và đối ứng một phần ngân sách địa phương, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã tiến hành khởi công, đưa vào sử dụng hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm. Những công trình đã góp phần không nhỏ trong việc khai thác tốt tiềm năng, kết nối vùng để cùng phát triển; đồng thời giúp người dân thông thương hàng hóa, đi lại thuận tiện, cũng như tạo đòn bẩy để các địa phương phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững.

Đầu năm 2020, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku chính thức được Bộ Giao thông Vận tải nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng. Đây là công trình giao thông trọng điểm được triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh có tổng mức đầu hơn hơn 844,5 tỷ đồng thuộc danh mục dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ còn dư của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Tuyến đường đi qua 4 địa phương gồm: Chư Pah, Ia Grai, Chư Prông và thành phố Pleiku có chiều dài hơn 30 km, quy mô đường cấp IV, 2 làn xe. Tuyến đường đưa vào sử dụng đã đem lại niềm vui rất lớn cho Nhân dân bởi đã rút ngắn được khoảng cách đi lại giữa các địa phương; việc thông thương, buôn bán thuận tiện hơn trước rất nhiều.

Anh Đinh – Huyện Chư Prông, Gia Lai nói: “Trước chưa có tuyến đường này thì phải đi vòng qua thành phố Pleiku, sau đó mới đi các huyện được. Bây giờ liên thông rất thuận lợi cho người dân”.

Giai đoạn 2015-2020 đánh dấu những đột phá về phát triển hạ tầng giao thông do tỉnh Gia Lai triển khai khi có đến 6 công trình giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 2.387 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Đặc biệt vào cuối tháng 7.2020, Dự án nâng cấp, mở rộng các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 25 qua tỉnh Gia Lai và Phú Yên có tổng vốn đầu tư hơn 730,2 tỷ đồng đã chính thức được thực hiện. Riêng các đoạn tuyến triển khai tại địa bàn tỉnh Gia Lai thuộc dự án thành phần 3 (điểm đầu tại Km 126 thuộc địa phận thị xã Ayun Pa, điểm cuối tại Km 147 thuộc địa phận thị trấn Phú Thiện) có chiều dài 21 km, tổng mức đầu tư 349 tỷ đồng, quy mô đường cấp III theo tiêu chuẩn Việt Nam, vận tốc thiết kế 60-80 km/giờ, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Sau khi hoàn thành, các đoạn qua thị trấn, thị xã có bề rộng nền đường 12 m (2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, lề đất); đoạn ngoài đô thị có bề rộng nền đường 9 m (2 làn xe cơ giới, lề 2 m). Trong phạm vi thi công dự án có 7 cây cầu (xây dựng mới 3 cầu, sửa chữa 4 cầu). Sở Giao thông Vận tải đang đôn đốc nhà thầu và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm gấp rút thời gian triển khai để đến cuối tháng 6.2021 sẽ bàn giao, đưa công trình vào sử dụng.

Ông Lê Văn Hạnh – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai cho biết: “Kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công để vừa đẩy nhanh tiến độ thi công cho phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng như phải đảm bảo các tiêu chuẩn, kỹ thuật để công trình đảm bảo chất lượng và được sử dụng lâu dài”.

Cũng theo ông Lê Văn Hạnh: Trong giai đoạn 2020-2025, hàng loạt các công trình dự án giao thông trọng điểm sẽ tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng; trong đó có khoảng 400 km quốc lộ, tỉnh lộ sẽ được nâng cấp, mở mới. Sau khi các công trình này hoàn thành sẽ là tiền đề quan trọng giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Trước mắt, ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, một số dự án trọng điểm gồm: Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (nâng cấp Quốc lộ 19 từ tỉnh Bình Định đến Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ), Tuyến giao thông biên giới cấp bách trên địa bàn huyện Đức Cơ; Sửa chữa, nâng cấp đường liên huyện Pleiku-Đak Đoa-Chư Sê- đoạn ngã ba La Sơn đến trung tâm xã Ia Tiêm và Đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông sẽ khởi công xây dựng, tạo đòn bẩy cho nhiều địa phương bứt phá để phát triển nhanh hơn nữa./.

Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 72

Trả lời