Đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến trong năm học mới 2021 – 2022

Cập nhật 19/8/2021, 16:08:57

Những diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19 không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch khung của năm học mà cả những hoạt động chuẩn bị cho năm học mới 2021 – 2022. Nhưng với nỗ lực và quyết tâm, ngành giáo dục các cấp đã triển khai nhiều giải pháp để bước vào năm học mới bằng sự chuẩn bị chu đáo và tâm thế sẵn sàng. Một trong số đó là việc phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của ngành giáo dục.

Sáng ngày 18/8, Bộ GD – ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020 – 2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học mới 2021 – 2022 đối với giáo dục mầm non. Điểm cầu Gia Lai được tổ chức tại Sở GD – ĐT. 2 năm qua, hình thức  trực tuyến ngày càng phổ biến trong các hoạt động hội nghị từ cấp Bộ ngành cho đến các địa phương. Ngoài yêu cầu phòng chống dịch, các hội nghị trực tuyến đã phát huy hiệu quả trong vấn đề tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức. Thời gian qua, Ngành GD – ĐT Gia Lai cũng đã tăng cường các hội nghị trực tuyến thông qua việc chú trọng đầu tư hạ tầng thiết bị để hỗ trợ hình thức ứng dụng công nghệ thông tin này.

Và lần đầu tiên, hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán bậc mầm non, cấp tiểu học và trung học cơ sở được Sở GD – ĐT Gia Lai triển khai bằng hình thức trực tuyến. Thay vì bồi dưỡng tập trung, nội dung bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ khoảng hơn 1.000 giáo viên sẽ được triển khai trên phần mềm zoom Pro ngay trước thềm năm học mới  2021 – 2022. Từ ngày 18 – 20/8, giảng viên đến từ Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai sẽ tham gia 24 lớp bồi dưỡng được phân chia theo cấp học và chuyên môn của từng cấp. Bản thân các giảng viên đều có sự chuẩn bị để khắc phục cho lần đầu tiên này.

Cô giáo Đinh Thị Mỹ Hằng, Giảng viên Chuyên ngành Địa lý, Trường CĐSP Gia Lai cho biết: “Trong bồi dưỡng trực tuyến thì có những hạn chế nhất định, ví dụ như khả năng trao đổi, thảo luận sẽ có những hạn chế hơn và cũng không thực hiện các hoạt động rộng rãi như tập huấn trực tiếp. Tuy nhiên, với việc nghiên cứu kĩ tài liệu và khả năng nghiên cứu của các bộ quản lí như hướng dẫn của báo cáo viên, thì báo cáo viên nghĩ sẽ đáp ứng được các yêu cầu của buổi tập huấn”.

Dĩ nhiên việc triển khai đồng bộ hình thức trực tuyến cho các hoạt động giáo dục, đặc biệt là dạy và học không thể là chuyện một sớm một chiều, nhất là với cơ sở giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sự nhập cuộc chủ động ngay từ những đợt dịch trong năm học trước đã giúp cho nhiều giáo viên ngày càng tự tin hơn với phương pháp dạy online.

Cô giáo Nguyễn Thị Diễn, Giáo viên Trường TH Trần Đại Nghĩa, Tp.Pleiku bày tỏ: “Bản thân đã thực hiện việc chuyển bài giảng lên để các em được học trực tuyến khi các em không được tập trung đến trường. Ngoài ra thì bản thân tôi cũng đã chủ động trao đổi với các em và giao bài cho các em, hướng dẫn các em viết bài vào vở thông qua lập nhóm Zalo nhằm giúp các em được học tập đầy đủ hơn để giúp các em mặc dù nghỉ học ở nhà nhưng không ngừng học tập”.

Bước vào năm học 2021 – 2022, Gia Lai có 714 trường mầm non, phổ thông công lập, với khoảng 392.000 học sinh. Trước thềm năm học mới, trong các nội dung chuẩn bị để đảm bảo mục tiêu kép: vừa đảm bảo nhiệm vụ năm học, vừa phòng chống dịch hiệu quả, tăng cường hình thức trực tuyến đặc biệt được nhiều địa phương chú trọng.

Ông Nguyễn Đình Thức, Trưởng phòng Giáo dục  – Đào tạo thành phố Pleiku nêu: “Chúng tôi đã có dự lượng theo tinh thần Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì chúng tôi đã có chỉ đạo cho các nhà trường về việc dạy học trực tuyến. Tùy theo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chúng tôi sẽ tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để triển khai việc này một cách đồng bộ trên địa bàn”.

Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp song hi vọng sự chủ động và linh hoạt trong xây dựng phương án ứng phó sẽ giúp Ngành GD – ĐT Gia Lai tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ năm học mới 2021 – 2022 với những kết quả khả quan./.

Hoà Giang – Quốc Linh – Phi Long


Lượt xem: 60

Trả lời