Chuyện thoát nghèo ở xã nghèo Ayun, Chư Sê

Cập nhật 24/1/2019, 09:01:07

Về xã vùng 3 Ayun, huyện Chư Sê hôm nay, dẫu cuộc sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn hơn so với các vùng thuận lợi khác; thế nhưng với người dân nơi đây, câu chuyện thoát nghèo của không ít người nay đã thành hiện thực. Một cuộc sống mới bắt đầu và trong niềm vui của những ngày đầu Xuân mới, họ đang hi vọng về những hạnh phúc, đủ đầy hơn ở những mùa Xuân tới.

Vẫn còn rộn ràng với không khí Tết Nguyên đán của dân tộc, thế nhưng tranh thủ những ngày đầu Xuân, chị Rmah Lơch ở làng Chép lại ra thăm ruộng lúa của gia đình. Nhờ nguồn nước tưới ổn định nên năm rồi, vài sào lúa của gia đình chị cũng thu hoạch được khá; đảm bảo đủ lương thực cho gia đình và có nguồn giống cho sản xuất ở vụ sau.

Chị Rmah Lơch – Làng Chép, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai nói: “Làm lúa bây giờ cũng đỡ hơn nhiều rồi. Không còn phải lo đói giáp hạt như trước nữa. Lúa xanh tốt thu được nhiều, nhà mình phấn khởi lắm”.

Cái đói, cái nghèo dần qua đi; cuộc sống bà con ở các làng trên địa bàn xã Ayun cũng ngày một phát triển hơn. Bỏ dần những phương thức canh tác cũ lạc hậu trên nương rẫy, bà con DTTS nơi đây giờ đã biết làm lúa nước 2 vụ, trồng hoa màu, chăn nuôi và cả đánh bắt thủy sản. Với sự tạo điều kiện và hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như của HTX sản xuất nông  nghiệp Ayun Thịnh ở thị trấn Chư Sê, hầu hết các làng của xã Ayun đều có người tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản. Một phương thức sản xuất mới mở ra cũng đồng nghĩa sẽ mở ra cho người dân ở xã nghèo Ayun những cơ hội thoát nghèo.

Anh Rmah Yon – Làng Dlâm, xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Trước đây cuộc sống khó khăn, chỉ làm rẫy thôi nên khổ lắm. Nay hợp tác làm đánh bắt như thế này ổn định hơn nhiều rồi. Sáng đi sớm từ 4-5 giờ rồi 7-8 giờ về bán cá, sau đó lại tiếp tục đi làm nương rẫy”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã cùng ý chí và quyết tâm vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân nơi xã nghèo Ayun, năm 2018, toàn xã đã giảm được 184 hộ nghèo; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2018 xuống còn 39,15% so với tỷ lệ 57,74% ở thời điểm cuối năm 2017.

Ông Phạm Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã Ayun, huyện Chư Sê, Gia Lai trao đổi: “Đặc biệt trong năm 2019 là tiếp tục thực hiện năm thứ 3 Đề án phát triển kinh tế – xã hội gắn liền xây dựng Nông thôn mới. Thì năm nay phương hướng chúng tôi đã trình cho BCH Đảng ủy xã, cố gắng giảm 130-150 hộ nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và đồng thời giữ vững được những hộ thoát nghèo, không cho tái nghèo trong thời gian tới. Và chúng tôi cũng sẽ tập trung vào hỗ trợ công cụ sản xuất cho bà con”.

Ngày mới bắt đầu và một mùa Xuân mới cũng đã bắt đầu. Cuộc sống của người dân ở xã nghèo Ayun, huyện Chư Sê rồi đây hứa hẹn sẽ phát triển và đi lên hòa nhịp cùng những đổi thay của địa phương./.

Mỹ Tiến, Minh Trí

 


Lượt xem: 49

Trả lời