Bỏ ngay tâm lý chủ quan “ai cũng thành F0”

Cập nhật 11/3/2022, 17:03:35

Hiện nay không ít người có tâm lý bản thân và những người xung quanh đều có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào nên thành ra rất chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh. Chính những suy nghĩ chủ quan như vậy có thể khiến số ca Covid-19 tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Theo đánh giá của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân Covid – 19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ đang chiếm khoảng trên 90%. Tuy nhiên, hàng ngày, tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì Covid – 19, nên người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng “ai rồi cũng thành F0”. Bởi khi số ca Covid-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Tiến sĩ Viên Chinh Chiến – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên thông tín: “Có một điều là hiện nay có rất nhiều quan điểm cho rằng số ca mắc nhiều quá không cần phải quan tâm số ca mắc nữa. Tuy nhiên chúng ta phải lưu ý một điều thế này: nếu chúng ta không quan tâm đến số ca mắc sẽ  gây nên tâm lý chủ quan, cái thứ hai là không có cơ sở để chúng ta đánh giá cấp độ dịch. Cụ thể theo số liệu chúng tôi vừa thống kê từ sau Tết đến nay toàn khu vực Tây Nguyên ghi nhận 89 ca tử vong/246 ca tính từ đầu mùa dịch đến giờ. Có nghĩa là chỉ trong vòng 1 tháng vừa rồi số ca tử vong của chúng ta chiếm 1/3 so với thời gian từ đầu mùa dịch đến giờ. Điều đó cho thấy số ca tử vong vẫn đang gia tăng.”

Theo số liệu thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, số ca F0 tử vong, số ca F0 không triệu trứng ở giai đoạn hiện tại so với giai đoạn đầu mùa dịch có nhiều sự khác biệt. Đó là tỷ lệ tử vong/số ca mắc giảm từ 0,5% đến 0,3% và hiện tại là giảm khoảng 0,1%. Đây là kết quả rất đáng mừng khi người dân đều đã được tiêm từ 2 đến 3 mũi vắc xin phòng Covid – 19. Tuy nhiên trước biến chủng mới omicron thì việc bao phủ mũi 2, tiêm mũi tăng cường, tiêm mũi bổ sung thực sự cần thiết để tạo sức đề kháng cho cơ thể.

Tiến sĩ Viên Chinh Chiến – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên nếu: “Người dân chủ quan cho rằng mình đã tiêm được 2 mũi thì không cần tiêm mũi 3, đó là quan điểm hết sức sai lầm. Rõ ràng nếu không tiêm mũi 3 sẽ dẫn đến tình trạng bệnh nặng và dẫn tới tử vong. Khi chúng ta tiêm 2 mũi thì sau khoảng từ 4 đến 6 tháng kháng thể bảo vệ giảm rất là nhanh, giảm khoảng 1 nửa. Đó là lý do Chính phủ quyết định tiêm mũi 3, tiêm mũi 3 giống như là chúng ta đã được tiêm 2 mũi và nó tiếp tục được bảo vệ.”

Trước việc ghi nhận số ca mắc Covid – 19 tăng cao, tất cả các bệnh viện từ tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã trên đia bàn tỉnh Gia Lai đều sẵn sàng chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế, nhất là hệ thống oxy lỏng, oxy bình để tăng năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân F0 nặng, bệnh nhân có bệnh lý nền hoặc những bệnh nhân lớn tuổi trên nguyên tắc tận dụng “thời gian vàng” để cứu chữa người bệnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ đạo: “Để giảm được mục tiêu chống dịch tại nhà hướng đến quản lý F0 tại nhà và hệ điều trị để phân tầng điều trị và không để quá tải cho y tế và người bệnh sẽ được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa. Trước tình hình đó BCĐ tỉnh tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế tại các địa phương, qua kiểm tra thực tế để hướng dẫn cũng như chấn chỉnh những việc chưa tốt để thực hiện tốt hơn. Trong đó địa bàn thị xã An Khê hiện nay có cấp độ dịch nguy cơ cao, xác định Trung tâm thị xã An Khê sẽ là bệnh viện cấp cứu vùng cho toàn vùng ở phía Đông. Qua kiểm tra quản lý F0 tại nhà, chúng tôi kiểm tra về các điều kiện y tế và oxy lỏng để đáp ứng được điều trị và trung tâm cấp cứu vùng cho bệnh nhân Covid – 19 cánh phía Đông.”

Theo ghi nhận bước đầu, nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc quản lý F0 tại nhà. Thứ nhất là do nhân lực ở các Trạm Y tế xã, phường mỏng, thứ hai là do ý thức phòng bệnh của một số người dân còn hạn chế. Vì vậy, qua công tác kiểm tra thực tế tại cơ sở mới đây, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – PCT. UBND tỉnh Gia Lai lưu ý một số vấn đề trong việc quản lý F0 tại nhà hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch  UBND tỉnh Gia Lai, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh nhấn mạnh: “Việc quản lý F0 tại nhà là chủ trương rất là tốt, hiện nay tỉnh ta đang triển khai rất là rộng rãi. Tuy nhiên, để F0 tại nhà hướng dẫn, chăm sóc y tế một cách tốt nhất thì cần phải thiết lập phân tầng y tế cơ sở và hệ điều trị và phân tầng theo cấp độ của bệnh. Một trong những lưu ý đối với quản lý F0 tại nhà đó là xử lý rác thải, việc này tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng khung chung cho cấp huyện triển khai. Tuy nhiên việc xử lý rác thải tại nhà là một trong những lưu ý rất là quan trọng. Nếu chúng ta quản lý tốt, xử lý tốt sẽ ngăn ngừa việc phát tán vi rút, phát tán mầm bệnh ra môi trường. Hiện nay ngành y tế cơ sở và ngành môi trường sẽ là đơn vị quản lý trực tiếp.”

Tỉnh Gia Lai đang thực hiện giai đoạn bình thường mới, từng bước nởi lỏng các hoạt động. Thay vì “Zero Covid-19”, thì địa phương đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro. Vì vậy, ý thức của người dân rất quan trọng, đóng vai trò rất lớn quyết định hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này thì dịch bệnh bớt nóng hơn, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường./.

Lệ Xuân – Huy Toàn


Lượt xem: 32

Trả lời