Anh Trương Công Quân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cập nhật 02/3/2022, 07:03:32

Những năm gần đây, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Đak Đoa nói riêng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Với truyền thống của gia đình là trồng, chăm sóc cà phê và hồ tiêu là chủ yếu nhưng khi một ít diện tích hồ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm nên năm 2019, anh Trương Công Quân đã chuyển đổi một ít diện tích sang trồng cỏ, trồng rau để chăn nuôi thỏ, dê. Ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc vật nuôi nên anh nuôi thử nghiệm ít, sau đó qua sách, báo và học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người, anh đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng mô hình chăn nuôi.

Anh Trương Công Quân – Xã Nam Yang, huyện Đak Đoa cho biết:  “Bước đầu tôi cũng thử nghiệm, học hỏi thì thấy phù hợp nhưng nguồn vốn chưa có. Năm 2021, được Qũy hỗ trợ nông dân hỗ trợ cho vốn vay để nuôi con thỏ. Năm 2020, về con thỏ sản lượng đạt hơn, năm 2021 sản lượng thỏ thương phẩm được 6 tạ, năm 2020 thì được 2 tấn, tính trung bình thỏ giá 70 thì trừ chi phí cũng được hơn 100 triệu.”

Thời gian đầu thực hiện, anh Quân gặp khá nhiều khó khăn nhưng nhờ đức tính cần cù, chịu khó và biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn vật nuôi phát triển mạnh và cho năng suất ổn định. Hiện nay, gia đình anh đã xây dựng trại thỏ với hơn 100 con thỏ sinh sản, 17 con dê và chăm sóc 3 ha cà phê, hơn 1.500 trụ tiêu. Mô hình kinh tế của anh Quân đang phát triển theo hướng trồng trọt kết hợp chăn nuôi, vì thế có thể khai thác, tận dụng nguồn thức ăn cho vật nuôi và phân bón chăm sóc cây trồng, giúp giảm chi phí đầu tư nên gia đình có thu nhập ổn định hơn.

Ông Nguyễn Văn Công – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang, huyện Đak Đoa nhẫn xét: “Anh Quân là 1 hội viên rất là trẻ nhưng với suy nghĩ rất là tích cực. Hiện nay anh Quân làm được mô hình này một chuỗi kết hợp rất là ổn định. Nếu người dân làm được như anh quân thì rất là khá, bởi thu nhập của anh Quân không những về con thỏ con dê mà còn các loại cây như cà phê, tiêu. Hiện tại hồ tiêu và cà phê của anh Quân rất là đẹp vì tận dụng được nguồn phân từ chăn nuôi, rất năng suất.”

Từ hiệu quả mô hình không chỉ giúp gia đình anh Trương Công Quân, ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa có nguồn thu nhập khá mà còn hỗ trợ một số hộ ở địa phương liên kết phát triển chăn nuôi. Thông qua đó, giúp bà con có kinh nghiệm chăm sóc, có đầu ra ổn định cho sản phẩm, đồng thời hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương.

Thúy Diện, Minh Trung


Lượt xem: 4

Trả lời