Đảng viên Alip- nghệ nhân ưu tú của buôn làng

Cập nhật 27/4/2023, 07:04:11

Với đôi bàn tay tài hoa khi thành thạo cả về kĩ thuật chỉnh chiêng đến làm đàn, tạc tượng gỗ, đảng viên Alip ở làng Groi Wết từng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú khi có nhiều đóng góp cho sự nghiệp gìn giữ và phát triển văn hóa dân gian truyền thống. Giờ đây ở tuổi gần lục tuần, ông vẫn đam mê với việc truyền dạy và đào tạo lớp trẻ. Với ông, đó cũng là trách nhiệm của người đảng viên với cộng đồng, với thế hệ hôm nay và cả mai sau.

Nằm ngay trung tâm làng Groi Wet, căn nhà nhỏ của nghệ nhân Alip như một bảo tàng nhỏ. Ở đây, có nhiều nhạc cụ dân tộc được ông chế tác và trưng bày, có những bộ chiêng quý có tuổi đời từ rất lâu được gia đình ông gìn giữ, nâng niu. Mỗi ngày, ông thường mang chiêng ra lau chùi, bảo quản cẩn thận như một tài sản lớn, mà nếu làm mất đi, không có gì có thể thay thế được. Có những bộ chiêng ông được thừa kế từ đời trước, có cả những bộ chiêng được ông sưu tầm, mua lại bằng tiền tích lũy của gia đình. Giờ đây đều là tài sản vô giá để ông mang đi chuyền dạy cho lớp trẻ, và mang đi trình diễn tại các lễ hội, sự kiện văn hóa trên cả nước.

Ông Alip – Làng Groi Wet, xã Glar, Đak Đoa tâm sự: “Chiêng này bây giờ không phải ai cũng có. Mình được ông bà, cha mẹ để lại cho nên mỗi ngày đều phải cất giữ cẩn thận. Mình dùng chiêng để dạy cho lớp trẻ, thế hệ đi sau để ai cũng biết đánh cồng, đánh chiêng. Dạy nhiều lớp lắm, ở đâu mời là mình sẽ đến để dạy cho học sinh, thanh niên.”

Tác động của xã hội hiện đại đang khiến âm thanh cồng chiêng mai một dần trong đời sống người Ba Na ở Glar, lớp trẻ trong làng có thời điểm không còn mặn mà với văn hóa truyền thống. Ông Alip quyết tâm gây dựng và tìm lại niềm yêu thích cho lớp trẻ thông qua những buổi truyền dạy đánh cồng chiêng, chơi đàn t’rưng, Gong kní. Được sự hỗ trợ từ các dự án, chương trình của Nhà nước đầu tư cho phát triển, gìn giữ văn hóa truyền thống, ông vận động thanh niên, học sinh học đánh chiêng. Đến nay, làng Groi có 2 đội chiêng, đội chiêng lớn gồm 21 người, từ 23 tuổi đến 70 tuổi. Đội chiêng nhí gồm 20 người, từ 6 tuổi đến 12 tuổi. Ngoài ra, nghệ nhân A Líp còn phối hợp đi dạy chiêng cho học sinh tại nhiều xã trong và ngoài huyện. Tính đến nay, ông đã dạy được cho hàng 100 người biết đánh chiêng trên địa bàn xã Glar và các xã lân cận như Ia Pêt, ADơk.

Em Uyết – Làng Groi Wet, xã Glar, Đak Đoa bộc bạch: “Em ngày trước cũng không biết đanh chiêng nhưng học và biết đánh cũng được 3-4 năm nay rồi. Vừa biết đánh cũng vui, mình cũng đi biểu diễn với bók Alip nữa. Cảm ơn Bók đã dạy cho mình biết đánh chiêng.”

Ông Alip – Làng Groi Wet, xã Glar, Đak Đoa tâm sự: “Thấy bọn trẻ không muốn chơi đàn, đánh chiêng. Vận động học cũng vất vả, nó cần sự kiên trì. Vì bọn trẻ nó thấy mất thời gian nhiều khi nó cũng nản nữa. Mình vừa dạy, vừa dụ nó học, thậm chí năn nỉ nữa. Giờ có nhiều người biết đánh cũng vui lắm. Sau này những người già như mình có mất đi thì con cháu cũng biết đánh cồng chiêng.”

Không nhớ chính xác đã có bao nhiêu đứa trẻ trong làng và các nơi đã được ông truyền dạy cho cách đánh chiêng và đưa đi biểu diễn cồng chiêng tại các lễ hội. Chỉ biết rằng, có những đứa trẻ trong làng được ông dạy từ khi còn học lớp ba, lớp 4, bây giờ đã có gia đình. Và những đứa con của chúng tiếp tục là học trò của ông. Kiên trì, nhẫn nại với việc truyền dạy văn hóa truyền thống, ông coi đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào, vinh dự của mình với cộng đồng.

Ông Y Suôn – Phó Bí thư Đảng ủy xã Glar, Đak Đoa nhận xét: “Ông A Lip là nghệ nhân cũng là đảng viên. Ngoài việc hết lòng dạy cho đám trẻ, thế hệ sau biết đánh cồng chiêng, chơi nhạc cụ truyền thống, ông cũng vận động những đảng viên khác, và người làng giáo dục con cháu biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Cho các cháu đi học các lớp truyền dạy kĩ năng đánh đàn, chơi chiêng.”

Với những đóng góp của mình, nghệ nhân A Lip đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Năm 2011, ông được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cấp Bằng chứng nhận là nghệ nhân chỉnh chiêng, tạc tượng dân tộc Jrai, Ba Na. Tháng 3/2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian./.

Minh Lý – Ksor Tuối


Lượt xem: 51

Trả lời