Các sự kiện, vấn đề nổi bật của Gia Lai trong năm 2021

Cập nhật 31/1/2022, 19:01:22

Năm 2021 rất đặc biệt, là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tác động nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong sự chuyển động đầy biến động của năm 2021, nhưng với tinh thần đoàn kết, lạc quan, nỗ lực vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo nên tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu quan trọng, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển; tạo điểm tựa vững chắc để tự tin bước vào năm 2022 thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Ban Biên tập Đài PT-TH Gia Lai lựa chọn và trân trọng giới thiệu đến quý vị và các bạn các sự kiện, vấn đề nổi bật của tỉnh trong năm 2021.

  1. Gia Lai đã triển khai các nhiệm vụ góp phần thành công Đại hội XIII của Đảng, tổ chức rất thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kiện toàn hệ thống chính trị các cấp.

Gia Lai tổ chức rất thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

    Với niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó nắm chắc tình hình, tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để cùng cả nước bảo vệ thành công Đại hội XIII của Đảng-sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng và của dân tộc ta.

Thành công nối tiếp thành công, chủ nhật, ngày 23/5/2021, cùng với gần 70 triệu cử tri cả nước, trên 01 triệu cử tri Gia Lai đã nô nức, phấn khởi đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Trung ương, Gia Lai đã chuẩn bị tốt các mặt, nhất là công tác nhân sự nên tổ chức rất thành công Cuộc bầu cử với tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 99,95%, gắn với làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên đảm bảo tuyệt đối an toàn trong cuộc bầu cử. Cử tri Gia Lai đã sáng suốt lựa chọn, bầu 08 đại biểu Quốc hội khóa XV, 71 đại biểu HĐND tỉnh khóa XII, 571 đại biểu HĐND cấp huyện và 5.009 đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2021-2026; đảm bảo số lượng, cơ cấu, thành phần và phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tiếp đó, Gia Lai đã tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy chính quyền địa phương nhiệm kỳ mới; đã bầu các chức danh lãnh đạo HĐND và UBND các cấp trong tỉnh đảm bảo theo đúng các quy trình, quy định của Trung ương; qua đó đã nâng cao chất lượng bộ máy và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ; đáp ứng tâm tư, ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

  1. Triển khai Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Gia Lai bằng 05 Nghị quyết Chuyên đề và 01 Chương trình hành động thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai ban hành Nghị quyết số 02 ngày 28/6/2021

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề thực hiện 04 Chương trình trọng tâm gồm: “Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh Gia Lai đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; “Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng đồng lực”; “Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lực tái tạo và du lịch”; “Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Cùng với đó, cũng đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng bình quân hằng năm 8,6% trở lên; “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; năng động, sáng tạo. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên”.

3. Gia Lai phòng, chống dịch Covid-19 chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả

Trong năm 2021, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự đồng lòng hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, UBND tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, linh động, sáng tạo. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh và các tiểu ban vận hành nhịp nhàng, hiệu quả; tiến hành khoanh vùng kịp thời, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm. Thành lập nhiều chốt kiểm soát phòng, chống dịch trong nội địa và trên khu vực biên giới. Có những lúc cao điểm, tỉnh đã kích hoạt 84 khu cách ly y tế tập trung do quân đội quản lý để tiếp nhận tổng cộng gần 45.000 lượt công dân của tỉnh đến cách ly y tế phòng dịch Covid-19 đảm bảo về nơi ăn ở, chăm sóc sức khỏe. Với nhiều cách làm sáng tạo là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai: truy vết do công an đảm nhiệm, cách ly tập trung do quân đội điều hành, thiết lập Bộ phận thường trực và các tiểu ban chống dịch hoạt động 24/24; xét nghiệm PCR mẫu gộp, là 1 trong 6 địa phương trong toàn quốc triển khai phần mềm bản đồ COVID, Gia Lai được Trung ương đánh giá triển khai rất hiệu quả công tác phòng, chống dịch với chi phí tiết kiệm nhất, tỷ lệ tử vong thấp nhất 0,23%; cùng với triển khai chiến dịch thần tốc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân đảm bảo tiến độ đề ra. Ấn tượng nhất, từ một trong những địa phương có tỷ lệ phủ vac xin thấp nhất cả nước (cuối tháng 10/2021 chưa đến 14/%), thì chỉ trong vòng 60 ngày sau  đó (tháng 12/2021) tỷ lệ phủ mũi 2 đã đạt trên 93% dân số.

Trong năm 2021, UBND tỉnh Gia Lai đã triển khai 05 đợt đón 1.083 công dân của tỉnh từ khu vực phía Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch về địa phương; đã hỗ trợ kinh phí 1 triệu đồng/người cho hơn 570 công dân.

Tỉnh cũng đã kịp thời hỗ trợ xăng, thức ăn, nước uống, sửa xe… và cử lực lượng chức năng dẫn đường cho hàng chục ngàn lượt công dân của các tỉnh từ phía Nam do dịch Covid-19 trở về quê qua địa bàn tỉnh một cách chu đáo, an toàn, thắm đượm nghĩa tình đồng bào.

Tỉnh cũng đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, tinh thần nhân văn, sức mạnh đại đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân ở địa phương cùng chung tay, đã đóng góp nguồn lực to lớn để phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã thành lập hai đoàn với 39 cán bộ, y bác sỹ đến Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, cùng với thực hiện nhiều “Chuyến xe 0 đồng” để góp phần “chia lửa” với tâm dịch.

4. Gia Lai đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội trong điều kiện có dịch Covid-19.

Năm 2021, Gia Lai thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”

Kết quả của Gia Lai trong chống dịch Covid-19 cùng với tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới, sáng tạo đã tạo tiền đề vững chắc để tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế-xã hội với những con số rất ấn tượng như tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,71%, dẫn đầu khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 3 cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 70.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,42 lần so với năm 2020. Lần đầu tiên Gia Lai thu ngân sách nhà nước đạt trên 7.880 tỷ đồng, vượt hơn 3.000 tỷ đồng so với dự toán Bộ Tài chính giao; kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu lần đầu tiên vượt mốc 1,5 tỷ USD (trong đó riêng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2020); trồng rừng hơn 8.000 ha, đạt 100,17% kế hoạch. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, giải quyết việc làm tiếp tục khởi sắc. Tỉnh tiếp tục làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, triển khai kịp thời Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ; đã hỗ trợ cho hàng chục nghìn trường hợp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với tổng kinh phí hỗ trợ tính đến nay hơn 200 tỷ đồng. Với nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, Gia Lai tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

5. Gia Lai tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thu hút đầu tư

Với sự linh hoạt, sáng tạo, đổi mới tư duy, trong năm 2021 lĩnh vực thu hút đầu tư tại Gia Lai tiếp tục khởi sắc, khai thác tốt các tiềm năng để phát triển. Là một trong những “thủ phủ” về điện năng lượng tái tạo. Trong năm 2021, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 54 dự án, tổng vốn đăng ký 21.645 tỷ đồng; đang thẩm định 46 dự án. Có 185 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất với tổng vốn gần 19 ngàn tỷ đồng. Nhiều dự án trọng điểm về giao thông, thủy lợi cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; có 11/16 dự án điện gió đã đi vào vận hành thương mại với tổng công suất 563 MW trên tổng số 1.242 MW. Gia Lai cũng đã thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chăn nuôi tập trung quy mô hướng đến xuất khẩu, du lịch nghỉ dưỡng….

Trong năm, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Tây Nguyên”. Tại hội thảo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đánh giá cao về tiềm năng và sự năng động của tỉnh Gia Lai, Đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ Gia Lai tạo sự liên kết vùng trong khu vực Tây Nguyên để tái cơ cấu phát triển sản xuất cà phê nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung có quy mô lớn, bền vững, hiệu quả.

  1. Cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

 Cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới

Ngày 15/9/2021, hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Cao Nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) đã được Phiên họp thứ 33 của Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và sinh quyển thuộc UNESCO bỏ phiếu thông qua, công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là niềm tự hào rất lớn của Gia Lai. Là viên ngọc quý giá của thế giới-Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích gần 413.512 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ và thị xã An Khê. Với hệ động – thực vật độc đáo, phong phú và đa dạng,lưu giữ các giá trị văn hóa lâu đời, Khu dự trữ sinh quyển Cao Nguyên Kon Hà Nừng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và duy trì sự cân bằng môi trường sinh thái không chỉ của khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.

  1. Quần thể Di tích Tây Sơn Thượng Đạo được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt

Cuối năm 2021, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo (tỉnh Gia Lai) được Hội đồng Di sản quốc gia đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tiếp đó ngay đầu năm 2022, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo là một trong 05 di tích trong nước được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 93 của Thủ tướng Chính phủ về xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 12).

Được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia vào năm 1991, Quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo có 8 cụm di tích với 23 điểm, phân bố ở thị xã An Khê và 03 huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro; trong đó An Khê Đình, An Khê Trường, An Khê Lũy, Gò Chợ…tại thị xã An Khê là trung tâm của Quần thể Di tích. Quần thể Di tích Tây Sơn Thượng Đạo gắn liền với Cuộc khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn vào thế kỷ XVIII do 3 anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc-Nguyễn Huệ-Nguyễn Lữ lãnh đạo. Tồn tại từ năm 1778 đến năm 1802, Nhà Tây Sơn đã có nhiều chiến công hiển hách vang danh trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, trong đó hiển hách bậc nhất là đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược-mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, thu giang sơn về một mối. Khởi nghĩa Nông dân Tây Sơn đã tập hợp được đoàn kết Kinh-Thượng nhờ đó mà nhà Tây Sơn đã làm nên đại nghiệp, lưu danh sử sách. Sau 30 năm được công nhận là Di tích quốc gia, Quần thể Di tích Tây Sơn Thượng Đạo được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt; đây là niềm tự hào to lớn không chỉ của các thế hệ người dân Gia Lai, mà còn người dân Việt Nam. Từ đây, các giá trị vô cùng quý báu của Quần thể Di tích Tây Sơn Thượng Đạo càng tiếp tục được phát huy và trở thành điểm đến rất hấp dẫn của du lịch văn hóa, lịch sử.

  1. Tổ chức thành công Giải vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền phong lần thứ 62 năm 2021

Tổ chức thành công Giải vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền phong lần thứ 62 năm 2021

Giải vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62 năm 2021 được UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Báo Tiền Phong và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tổ chức vào sáng 28/3/2021 tại thành phố Pleiku. Đây là giải Marathon thu hút số lượng vận động viên tham gia tranh tài nhiều nhất từ trước tới nay (với gần 4.500 vận động viên ở cả 2 hệ: chuyên nghiệp và phong trào), trong đó có những ngôi sao sáng giá nhất của làng điền kinh Việt Nam và nhiều vận động viên thế giới. Tranh tài ở nhiều cự ly, các vận động viên đã chinh phục những cung đường thơ mộng, rực rỡ sắc màu với những ấn tượng tốt đẹp về đất và người Gia Lai đầy nhân hậu, thân thiện, mến khách. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao quan trọng, là dịp để Gia Lai quảng bá những tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch… của tỉnh và cũng là khởi đầu cho định hướng KINH TẾ THỂ THAO. Với thông điệp “Giấc mơ đại ngàn”, Giải thành công tốt đẹp cùng với diễn ra nhiều hoạt động đi kèm ý nghĩa như: Lễ Thượng cờ, Lễ phát động trồng cây với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”, Lễ hội văn hóa ẩm thực, đêm hội cồng chiêng Tây Nguyên…

09. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của Gia Lai đứng thứ 21 toàn quốc, đứng đầu khu vực Tây Nguyên, tăng 20 bậc so với năm 2019

Trong năm 2021, Gia Lai tiếp tục triển khai quyết liệt công tác cải cách hành chính. Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, trong năm tỉnh đã hoàn thành 38/38 nhiệm vụ và đã ban hành 27 quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt. Trong đó tập trung đột phá vào cải cách thể chế, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp; kiểm soát tốt các thủ tục hành chính; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, tinh gọn bộ máy; ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước; phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Năm 2021 là lần thứ 3 Gia Lai triển khai đánh giá bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Là bộ chỉ số kép, DDCI đang dần từng bước tiếp cận mục tiêu mà tỉnh đề ra là nâng cao năng lực điều hành, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của cơ quan công quyền. Tỉnh cũng tập trung cải thiện chỉ số PCI, phấn đấu cải thiện 10 chỉ số thành phần; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, phấn đấu giảm 30-70% thời gian so với quy định của pháp luật; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

“Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2020 của tỉnh đứng thứ 21 toàn quốc, đứng đầu khu vực Tây Nguyên, tăng 20 bậc so với năm 2019, tổng điểm đạt được 84,81 điểm”…

  1. Gia Lai đảm bảo an ninh chính trị, an ninh biên giới, làm tốt công tác đối ngoại

Trong năm 2021, Gia Lai triển khai nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của Trung ương, của Quân khu 5 về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động bất ngờ trước mọi tình huống; nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang tỉnh. Tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, nhất là ở những khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phong toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; làm tốt công tác tuyển quân; nâng cao độ tin cậy của lực lượng dân quân, tự vệ. Tỉnh đã hỗ trợ huyện Kbang tổ chức thành công Diễn tập điểm về phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; đã chỉ đạo ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai, bão lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại; bảo vệ tốt tính mạng, tài sản của nhân dân. Các lực lượng trên tuyến biên giới của tỉnh không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”- vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh tiếp tục làm tốt công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế; nhất là với chính quyền và các lực lượng của nước bạn Campuchia nên xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển. Sự chủ động triển khai hiệu quả công tác giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đã tạo tiền đề vững chắc để Gia Lai bứt phá, đẩy mạnh kinh tế-xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, giàu mạnh.

 Ban Biên tập Đài PT-TH Gia Lai 


Lượt xem: 93

Trả lời