Dấu ấn từ hội chợ triển lãm thương mại và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản

Cập nhật 25/5/2022, 16:05:13

Cùng với thành công từ chuỗi các sự kiện quan trọng, Tuần lễ Chào mừng kỉ niệm 90 năm thành lập tỉnh còn để lại dấu ấn khi tổ chức thành công Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên- Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản. Không chỉ tạo dấu ấn từ chất lượng, số lượng các gian hàng, Hội chợ còn đem đến cho người dân và du khách những trải nghiệm thú vị từ những sản phẩm đặc trưng của các tỉnh bạn và cả những sản phẩm đến từ xứ sở hoa anh đào.

Khu giao thương các doanh nghiệp Nhật Bản, ngoài các sản phẩm giới thiệu máy móc, thiết bị công nghệ, sản phẩm gia dụng, doanh nghiệp Nhật Bản còn đem đến những sản phẩm đặc trưng vùng miền, mang đậm bản sắc của đất nước mặt trời mọc. Mỗi du khách đến tham quan, có thể tự mình trải nghiệm và thưởng thức điều đó.

Ông Masaki, Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi mang đến triển lãm này sản phẩm đến từ tỉnh Zamanasi, của Nhật Bản, đây là tỉnh nằm cạnh núi Phú Sỹ, nguồn nước tại đây thích hợp để làm rượu truyền thống. Tôi tự hào về sản phẩm của chúng tôi và muốn giới thiệu đến người dân Gia Lai cũng như người Việt Nam”.

Với khu trưng bày sản phẩm của 20 tỉnh, thành phố, tại 74 gian hàng, người dân có thể tham quan, trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm vùng miền được đem đến từ các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các sản phẩm được làm từ cây trái, nông sản được coi là thế mạnh của địa phương, như: thanh long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc, nhung hươu Hà Tĩnh… , được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Chủ nhân của các gian hàng tại đây, ngoài việc mong muốn giới thiệu đến du khách sản phẩm mang đặc trưng của địa phương, vùng miền, còn muốn mỗi người tự trải nghiệm để thưởng thức và ủng hộ cho sản phẩm về lâu dài.

Chị Nguyễn Hoàng Thu Hương, HTX Thanh long Hòa Lệ, tỉnh Bình Thuận cho biết: “Gian hàng của tỉnh chúng tôi hầu hết là sản phẩm của các hợp tác xã. Rất nhiều sản phẩm đều được chế biến từ trái thanh long tươi của đơn vị, được liên kết trồng theo quy trình Globla gap, Vietgap. Được cơ quan chức năng tỉnh hỗ trợ rất nhiều và cả người dân Gia Lai cũng ủng hộ chúng tôi rất nhiều”.

Chị Trần Thị Hiền, gian hàng tỉnh Hà Tĩnh cũng nói: “Chúng tôi mang đến hội chợ lần này những sản phẩm đặc trưng của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hầu hết đã có chứng nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Mong muốn giới thiệu rộng rãi hơn đến khách gần xa, để sản phẩm có được thị trường rộng rãi”.

Chỉ sau 3 ngày đầu diễn ra hội chợ, có khoảng 36 nghìn lượt khách đã đến tham quan, mua sắm. Nhiều gian hàng đã tiêu thụ hết lượng sản phẩm đem đến ngay từ vài ngày đầu. Trị giá hàng bán ra từ hội chợ đạt khoảng trên 3,5 tỷ đồng. Trong thời gian diễn ra hội chợ, nhiều hoạt động sôi nổi đã diễn ra như tuyên truyền, quảng bá, hoạt động giao lưu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản…Đã có những bản ghi nhớ, kí kết hợp tác tiêu thụ được thực hiện trong khuôn khổ, như sản phẩm nước mắm Phú Quốc, mật ong Phương Di với công ty Akira JaPan và 3 quy cách đồng gói các đơn vị Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai và hộ Kinh doanh Lê Thị Cẩm Như (KBang).

Chị Lê Thị Mỹ Linh, thành phố Pleiku chia sẻ: “Em cũng đã đi tham quan gần hết hội chợ, các gian hàng năm nay chất lượng hơn những năm khác, và đều là những sản phẩm đặc trưng vùng miền, lại có nguồn gốc xuất xứ”.

Khép lại hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên – Gia Lai, giao thương doanh nghiệp Nhật Bản, ngoài những kết quả trong công tác xúc tiến thương mại, đây cũng là dịp để doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở rộng liên kết trong tiêu thụ sản xuất, tạo cơ hội hợp tác giao thương. Cùng với đó học tập kinh nghiệp, quảng bá thương hiệu, đổi mới công nghệ nhằm tạo ra những sản phầm chất lượng, có chỗ đứng rộng rãi trên thị trường./.

Minh Lý, Ksor Tuối


Lượt xem: 11

Trả lời