Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVI: Đề ra nhiều giải pháp đột phá trên các lĩnh vực

Cập nhật 29/9/2020, 18:09:22

Qua 2 ngày làm việc của phiên Đại hội chính thức, trong phần thảo luận, với tinh thần dân chủ, đoàn kết, đại diện Đoàn đại biểu của các Đảng bộ tham dự Đại hội đã phát biểu tham luận về những kinh nghiệm và các giải pháp thiết thực nhằm tạo những bước đột phá mạnh mẽ và những khởi sắc trên các lĩnh vực của tỉnh trong thời gian tới.

Tham luận tại Đại hội, các đại biểu đều khẳng định: Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần tiếp tục quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới. Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Đặc biệt là thực hiện tốt công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng chí Huỳnh Quang Thái – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy nêu: “Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian tới cần tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy đối với công tác cán bộ. Trong hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ, cùng với tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, cần chú trọng, nhấn mạnh tiêu chí về năng lực và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Xây dựng quy trình đánh giá cán bộ theo hướng đổi mới, mở rộng dân chủ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể cấp có thẩm quyền và người đứng đầu. Tiến hành theo các bước phù hợp đối với việc đánh giá cán bộ theo định kỳ hằng năm; đánh giá cán bộ trước khi hết nhiệm kỳ; đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, quy hoạch, điều động luân chuyển”.

Đồng chí Nguyễn Đình Tiến – Tỉnh ủy viên khóa XVI, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phát biểu: “Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể định kỳ; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện theo chủ đề hàng năm. Chú ý nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, tâm trạng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và quần chúng để định hướng dư luận, củng cố niềm tin, chấn chỉnh các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm về tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp”.

Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân hằng năm đạt 7,83%, vượt Nghị quyết Đại hội XV đề ra. GRDP đến năm 2020 đạt gần 81.000 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Tham luận tại Đại hội, các đại biểu cho rằng: Để đạt được kết quả trên là nhờ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng bộ tỉnh trên cơ sở huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các nhóm giải pháp giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đến với tỉnh Gia Lai. Do đó, cần tiếp tục tạo được những bước đột phá trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh…

Đồng chí Nguyễn Hữu Quế – Tỉnh ủy viên khóa XVI, Chủ tịch UBND TP.Pleiku, Đoàn đại biểu Đảng bộ TP.Pleiku cho biết: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; tăng cường giám sát kết quả thực hiện các hồ sơ, thủ tục hành chính, chấn chính xử lý các hành vi tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử theo chỉ đạo tại Nghị quyết 36a/NQ-CP, ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử”.

Một trong bốn chương trình trọng tâm mà Đại hội xác định thực hiện trong nhiệm kỳ tới là: Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện được mục tiêu này, thì một trong những giải pháp được các đại biểu đưa ra đó là tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Đồng chí Phan Trần Thọ – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kbang, Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Kbang cũng nêu: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của cả hệ thống chính trị. Xây dựng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển vốn rừng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác trồng rừng mới, trồng rừng thay thế, trồng lại rừng trên diện tích rừng trồng sau khai thác, trong đó, chú trọng trồng mới rừng trên quỹ đất nương rẫy có độ dốc lớn, bạc màu, quỹ đất trên cos ngập lòng hồ Ka Nák, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để trồng rừng; phát triển trồng cây mắc ca, cây giổi xanh xen canh cây nông nghiệp, … Nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với rừng sản xuất. Khai thác có hiệu quả, hợp lý các nguồn lợi từ rừng; thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập của người dân từ tài nguyên rừng”.

Cùng với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đẩy mạnh phát triển kinh tế thì trong nhiệm kỳ qua, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên lĩnh vực văn hóa – xã hội; đặc là công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số. Các đại biểu cũng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững trong vùng dân tộc thiểu số.

Đồng chí RCom Sa Duyên – Tỉnh ủy viên khóa XVI, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Đoàn đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh nêu ý kiến: “Kế hoạch  đào tạo lao động  của địa phương, ngành và cơ sở đào tạo  phải gắn với phát triển kinh tế – xã hội  và nhu cầu của thị trường lao động. Các địa phương cần chủ động đa dạng hóa hình thức hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động trong đồng bào dân tộc thiểu như:  Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, được tập huấn nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng những mô hình sản xuất hiệu quả, có năng suất và thu nhập cao, nâng cao chất lượng lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn ngày càng đa dạng, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững; kết nối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để thường xuyên xúc tiến các phiên giao giao dịch việc làm tại các địa phương”.

Các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử như: Quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Tây Sơn Thượng đạo ở các huyện, thị xã phía Đông, Di tích Sơ kỳ đá cũ ở thị xã An Khê, các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên… gắn với phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đồng chí Phan Văn Trung – Tỉnh ủy viên khóa XVI, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, Đoàn đại biểu Đảng bộ huyện Kông Chro cho biết: “Tiếp tục cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch hành động để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa. Trong đó tập trung khuyến khích bảo tồn về nhà rông truyền thống và không gian văn hóa cồng chiêng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lòng tự hào, ý thức gìn giữ của chính cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số về vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Phát huy tốt vai trò của đội ngũ nghệ nhân, khuyến khích việc truyền dạy cồng chiêng, các giá trị văn hóa phi vật thể như: dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, chỉnh chiêng, hát Hơrmon… Chú trọng gắn kết việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng, những món quà lưu niệm cho du khách”.

Đồng chí Nguyễn Hùng Vỹ – Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê, Đoàn đại biểu Đảng bộ thị xã An Khê  cũng cho biết: “Với những tiềm năng và lợi thế về lịch sử – văn hóa quý giá của An Khê được quan tâm đầu tư, tôn tạo, bảo tồn một cách xứng đáng thì tin tưởng rằng, những giá trị lịch sử – văn hóa trên địa bàn thị xã An Khê sẽ được phát huy tạo thành sản phẩm du lịch đặc sắc, sẽ hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với An Khê, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; hoàn thành mục tiêu Đại hội đề ra, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã An Khê nói riêng và của tỉnh nó chung”.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã đặc biệt quan tâm tăng cường tiềm lực củng cố quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh ngày càng vững chắc, tạo tiền đề để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tham luận tại Đại hội, các ngành chức năng cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đảm bảo giữ vững tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Đại tá Phạm Hữu Trường – Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, Đoàn đại biểu Đảng bộ Công an tỉnh Gia Lai phát biểu: “Trên tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, với phương châm hành động “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; Đảng bộ Công an tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự từ xa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ; chủ động tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các Chương trình, Kế hoạch đấu tranh chuyên đề, hệ loại, đối tượng, tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, các loại tội phạm, vấn đề phức tạp về ANTT nổi lên trong từng thời điểm; tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc”.

Trước đó, trong phiên làm việc sáng ngày 29/9, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến tại Đại hội các Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hầu hết ý kiến đều nhất trí cao và khẳng định dự thảo các văn kiện là sản phẩm trí tuệ của Đảng, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng; bố cục chặt chẽ, khoa học và đảm bảo tính logic, có tính khái quát cao, đánh giá đúng trọng tâm, trọng điểm của từng vấn đề, vừa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới của đất nước, vừa thể hiện được sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh đó, còn có ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; nhất là các nội dung liên quan đến mục tiêu, định hướng chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước.

Theo chương trình sáng ngày 30/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ diễn ra phiên Bế mạc. Chúng tôi sẽ phản ánh chi tiết trong các bản tin tiếp theo.

 Hà Đức – Đức Hải – R’Piên – Thanh Sáng – Huy Toàn


Lượt xem: 48

Trả lời