Quảng trường Đại đoàn kết – Nơi hội tụ của lòng người và thiên nhiên

Cập nhật 24/1/2014, 10:01:12

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn mong mỏi được đặt chân lên đất Tây Nguyên, về với đồng bào các dân tộc luôn một lòng hướng về Đảng, về cách mạng. Nhưng mãi đến gần nữa thế kỷ sau, người dân Gia Lai nói riêng, các dân tộc Tây Nguyên nói chung mới có dịp đón Bác về khi khánh thành quảng trường Đại đoàn kết. Bằng tất cả những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nhất trí của quân dân các dân tộc Gia Lai, sau nhiều năm xây dựng, quảng trường đại Đoàn kết đi vào hoạt động một lần nữa trở thành nơi hội tụ của lòng người và thiên nhiên. 

 

Sáng sớm ở Quảng trường Đại đoàn kết..

 

Trong trẻo, mát lành! Tất cả những vướng bận của áo cơm, gạo tiền, bon chen thường nhật đều gác lại, đó là cảm giác lớn nhất của mỗi người khi bước chân vào quảng trường Đại đoàn kết.

 

Là người thường xuyên đi dạo tại quảng trường Đại đoàn kết Ông Tô Long Sỹ – P. Hội Thương – TP.Pleiku tâm sự: “Quảng trường mà TW, tỉnh xây dựng rất đẹp. Người dân Pleiku, Gia Lai ai cũng tự hào, ai cũng tấm tắc khen đẹp. Đây còn là nơi để nhân dân đến vui chơi, ngắm cảnh, người già như chúng tôi có chổ để đi bộ, tập thể dục…”.

 

Còn đây là lời tâm sự của Ông Nguyễn Mao – P.Tây Sơn – TP.Pleiku: “Tôi ở miền Nam nên chỉ nghe thấy tiếng Bác mà chưa được gặp Bác. Bây giờ quảng trường xây dựng, đưa Bác Hồ về. Ngày nào tôi ra đây cũng được ngắm Bác, lòng rất tự hào về quảng trường khi đưa du khách đến đây”.

 

 

Bác Hồ, vị cha già một đời vì nước, vì dân. Dù xa xôi, cách trở, dù trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn đau đáu một niềm: Đặt chân lên đất Tây Nguyên, sum vầy với những người con, người cháu Ba Na, Jrai, Ê đê, Xơ Đăng ngoan cường, anh dũng một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Và mỗi người dân Gia lai cũng ngày đêm mong nhớ Người. Niềm thương, nỗi nhớ Bác Hồ được hàng vạn, hàng vạn người dân Gia Lai đo bằng những tháng năm dài đằng đẵng, bằng tất cả thăng trầm, biến thiên của lịch sử. Và gần 40 năm sau hòa bình thống nhất đất nước, ước vọng đó mới có điều kiện biến thành hiện thực bằng việc chuẩn y, cho phép của ban Bí thư và Bộ Chính trị về xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tọa lạc giữa quảng trường Đại đoàn kết – Địa điểm đẹp nhất ở thành phố Pleiku. Không thể đo được nỗi xúc động, nghẹn ngào của từng người con trên đất Gia Lai khi chứng kiến ngày Bác thực sự đến với đất, với người Tây Nguyên.

Quảng trường Đại đoàn kết được khởi công từ tháng 10/2010, chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2012 đã thực sự trở thành trung tâm tâm linh, lịch sử, văn hoá, mỹ thuật, kiến trúc mang đậm sắc thái đặc trưng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn, là món quà mà Đảng, Nhà nước tặng cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Gia Lai, các tỉnh Tây Nguyên nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai, thể hiện tình cảm của Đảng, của Bác với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và cũng là tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, đối với Bác Hồ. Quảng trường Đại đoàn kết gồm nhiều hạng mục cùng với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Bảo tàng cổ vật và tượng đài Anh hùng Núp đã tạo nên một quần thể lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật hoàn chỉnh. Đằng sau cả khối kiến trúc mỹ thuật ấy là đỉnh núi Hàm Rồng  có dáng hình ngôi nhà rông của đồng bào được tạo dựng như một bức tường thành rợp ngời bóng cây xanh quanh Bác Hồ. Mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 01 năm nhưng quảng trường có nhiều hạng mục quan trọng được Nhà nước, các bộ, ngành đánh giá cao cả về thiết kế, chất lượng kỹ, mỹ thuật trong đó nhiều hạng mục đi vào kỷ lục Ghinet Việt Nam như tượng đồng Bác Hồ lớn nhất, bộ cồng chiêng lớn nhất, bức phù điêu bằng đá 600m2 to nhất. Ngoài ra hội đá quý Việt Nam công nhận cột đá Đại đoàn kết là cột ghép nhiều trụ đá nhất Việt Nam, bức thư tạc trên tảng đá nặng nhất Việt Nam: 102 tấn. Quảng trường còn được công nhận công trình đạt Huy chương Vàng về chất lượng, 01 trong 10 sự kiện về văn hóa nổi bật nhất của năm 2012 và là công trình xây dựng kiến trúc đạt giải A về công tác Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Người dân vui chơi tại Quảng trường.

 

Ông Xuân Vũ – Giám đốc sở Văn hóa-Thông tin-Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Việc Bác Hồ gởi thư nhân Đại hội đồng bào các dân tộc thiểu số Miền nam tổ chức tại Pleiku là sự kiện quan trọng đối với tinh thần đại đoàn kết các dân tộc. Mấy mươi năm qua, tỉnh rất chú trọng đến việc thực hiện tâm nguyện của Người về đại đoàn kết trong xây dựng tỉnh phát triển vững mạnh. Và việc xây dựng quảng trường Đại đoàn kết là một trong những công tác mà tỉnh Gia Lai phấn đấu thực hiện nhằm thể hiện ước mong đón Bác về, thắt chặt hơn nữa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc ở khắp mọi miền đất nước”.

 

 

Ông Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN đã có nhận xét: Tôi làm khá nhiều quảng trường, đi đến nhiều địa phương nhưng phải công nhận rằng, quảng trường Đại đoàn kết ở đây là đẹp nhất. Việc quy hoạch, tập hợp các công trình nằm trong tổng thể quảng trường được tổ chức quy mô, khoa học, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật. Để có được điều này, ngoài sự hỗ trợ của TW, các nhà khoa học còn có tinh thần tiếp thu rất tích cực của lãnh đạo tỉnh Gia Lai”.

 

Không chỉ đẹp về kiến trúc, kỹ, mĩ thuật, bao quanh quảng trường và tượng đài Bác là một vườn bách thảo với hàng trăm loại cây cỏ của Tây Nguyên và nhiều vùng miền trên đất nước. Để có được điều này, tỉnh chủ động giữ gìn nguyên trạng các loại cây trồng trước đây và trồng mới cả trăm loại cây khác. Chính điều này đã tạo nên một không gian xanh cho quảng trường nằm giữa lòng thành phố cao nguyên xinh đẹp Pleiku. Có lẽ việc xây dựng quảng trường hợp lòng người và thuận cả ý trời nên không chỉ con người mà cả chim chóc cũng trở về đây rất đông. Từng đàn chim ríu rít tung cánh bay rợp trời mỗi buổi chiều về ru Bác giấc ngủ yên lành giữa sự phát triển ngày một phồn vinh của Gia Lai – Tây Nguyên/.

Thu Thủy – Thanh Sáng


Lượt xem: 283

Trả lời