Những người giữ “Hồn Chiêng”

Cập nhật 24/1/2014, 14:01:23

Giống như anh em các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người bản địa Gia Lai. Cồng chiêng là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Đến nay người dân Ja rai, Ba na vẫn còn gìn giữ nhiều bộ chiêng quý giá mà cha ông họ để lại với mong muốn “hồn chiêng” được lưu truyền đến ngàn đời sau. 

 

Nghệ nhân Nay Phai truyền dạy cồng Chiêng cho thế hệ trẻ.

 

Với cựu chiến binh Y’Mlah, bộ cồng chiềng này cùng với vài chiếc ché cổ cũng đã là một gia tài  quá lớn. Thời trai trẻ người đàn ông này là một cây văn nghệ chính của xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa.  Bởi quá say mê tiếng cồng, tiếng chiêng, ông đã quyết gìn giữ được hơn 20 chiếc chiêng và chinh cổ. Không chỉ đối với ông mà với cả buôn làng Ja rai, đó là những sản vật quý giá của tổ tiên họ.

 

“Từ nhỏ tôi đã rất thích chơi cồng chiêng, tôi theo người già trong làng học được nhiều bài hay. Bây giờ tôi chỉ mong truyền lại được hết cho thanh niên trong làng để các cháu giữ gìn được truyền thống của người Ja rai”.Đó là lời bộc bạch của Ông Y’Mlah-Hội viên cựu chiến binh xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa.

 

Địa phương gìn giữ nhiều cồng chiêng nhất của tỉnh Gia Lai là xã Ia O, huyện Ia Grai. Hiện nay, xã đang có hơn 500 bộ cồng, chiêng. Trong đó có 6 bộ chiêng quý của gia đình anh Rơ Châm Dem, ở làng Dăng. Ấn tượng nhất là bộ chiêng Pát, loại chiêng được đúc tinh xảo có âm thanh vang xa. Nhớ lại mấy chục năm trước, để có được bộ chiêng này, anh Dem đã phải bán hết gia tài có trong nhà, nhưng lòng vẫn vui, bởi với anh giữ được “hồn chiêng” là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mình. Gắn bó với cồng chiêng từ nhỏ, “hồn chiêng” đã trở thành máu thịt của anh. Đã bao năm nay, anh chơi chiêng như một lẽ tự nhiên của một người con Tây Nguyên. Tâm sự với chúng tôi anh Dem thổ lộ:“Tôi rất quý những bộ chiêng của mình. Khó khăn lắm tôi mới có được. Trong làng có công việc thì tôi lại mang cồng chiêng ra đánh. Như trong lễ bỏ mả này, tiếng cồng chiêng rất quan trọng, để người thân yên lòng về với Giàng”.

 

Để thế hệ trẻ của tỉnh hiểu biết, lưu giữ lại những giá trị đích thực của cồng chiêng, từ năm 2011, trường Trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật Gia Lai đã triển khai thực hiện đề tài “ Phương pháp dạy và học cồng chiêng của đồng bào Ba na, Ja rai trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Để thực hiện hiệu quả đề tài này, nhà trường đã cử nhiều giáo viên có kiến thức, kinh nghiệm về cồng chiêng đi thực tế, sưu tầm, nghiên cứu những nét độc đáo về cồng chiêng của dân tộc bản địa để có biện pháp gìn giữ và bảo tồn. Đồng thời, nhà trường cũng đã phối hợp với các nghệ nhân cồng chiêng tìm ra phương pháp truyền đạt phù hợp để học viên có thể cảm thụ được “hồn chiêng” trong mỗi bài giảng.

 

Nghệ nhân cồng chiêng Nay Phai chia sẻ: Là người con Tây Nguyên và là giảng viên của trường, tôi muốn đem tất cả niềm đam mê cồng chiêng để truyền đến các em với một mong muốn duy nhất là bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, không để mai một theo thời gian.

 

Ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch nhấn mạnh: Gia Lai xác định việc bảo vệ và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nằm trong tổng thể việc thực hiện NQ TW 5 khóa 8 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Nghị quyết 14 của Đảng bộ tỉnh về việc bảo tồn văn hóa giai đoạn 2011-2015. Nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất đó là việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt hàng năm tỉnh giao cho Trường VHNT của tỉnh cũng như trường CĐSP có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng việc chỉnh chiêng cho các nghệ nhân Thứ 2, đưa việc giảng dạy cồng chiêng vào dạy học ở các trường PTDTNT. Thứ 3 là tổ chức các hoạt động để nhân rộng mô hình này, đặc biệt là việc tuyên truyền cho mỗi người dân hiểu và bảo vệ không gian văn hóa này ngay từ trong cộng đồng dân cư.

 

Có thể thấy rằng, cách lưu giữ bảo tồn văn hóa cồng chiêng tốt nhất chính là trong không gian của núi rừng, trong cộng đồng dân cư và trong tình cảm yêu quý, trân trọng, giữ gìn của chính những người con Tây Nguyên.

 

Những bài chiêng, điệu múa đặc sắc nhất với đôi chân trần từng lội sông lội suối, những người con của núi rừng Tây Nguyên đã làm cho bạn bè thế giới thêm phần thán phục, yêu mến cồng chiêng Tây Nguyên, di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Như là gốc rễ, là linh hồn – từ bao đời nay tiếng cồng, tiếng chiêng của các dân tộc bản địa Tây nguyên vẫn luôn hiện hữu tại các buôn, làng. Và bằng nhiều hình thức khác nhau, thế hệ này lại truyền ngọn lửa đam mê cồng chiêng cho các thế hệ kế tiếp để âm thanh rộn rã say động lòng người luôn vang vọng trên khắp núi rừng Tây Nguyên./. 

Đoàn Bình-Thanh Sáng


Lượt xem: 93

Trả lời