Làm gì để cả xã hội không phải “giải cứu” dưa hấu, hành tím…?

Cập nhật 12/5/2015, 14:05:23

 Xã hội phải chung tay bán hộ dưa, hành… nhưng đó mới chỉ là giải pháp tấm lòng, cần có giải pháp mạnh hơn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch hầu hết các mặt hàng nông thủy sản đều sụt giảm đáng kể. Hàng trăm xe gạo ùn tắc trong thời gian dài tại cửa khẩu Lào Cai, các loại dưa hấu, hành tím Sóc Trăng, hành tây Đà Lạt… đầy đồng với giá rẻ thê thảm, buộc các cơ quan, ban ngành, đoàn thể phải chung tay tiêu thụ giúp đã nói lên thực trạng với điệp khúc “được mùa mất giá” luôn lơ lửng trên đầu người nông dân một nắng hai sương. 

 

Mua dưa hấu giải cứu cho nông dân chỉ là giải pháp tạm thời (Ảnh: Hoài Nam)
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – Trương Thị Mai cho rằng: Nhiều nông sản không đi vào thị trường, giá thấp, xã hội phải chung tay bán hộ dưa, hành, nhưng đó mới chỉ là giải pháp tấm lòng.

 

Hiện, nhiều mặt hàng nông sản rớt giá, ùn tắc nghiêm trọng như hành tím, khoai lang và ngay cả những mặt hàng có thế mạnh như gạo, cao su… Các loại hoa quả như xoài cát, thanh long, ổi… cũng đang bị bán rẻ khiến nhà nông điêu đứng. Nhiều mặt hàng đã và đang phải tiếp tục trông chờ vào sự hảo tâm của các tổ chức, cá nhân tiêu thụ. Như vậy, hàng nông sản đang thua ngay trên sân nhà.

Hiện nay, cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của chúng ta rất thấp. Nguyên nhân là do công tác tiếp thị quá kém, các loại sản phẩm chất lượng không nhiều. Nhìn lại, hầu hết các mặt hàng nông sản của ta xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, xuất nguyên liệu, hoặc sơ chế… vào những thị trường dễ tính. Còn những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ các nước Châu Âu thì chưa thực sự chiếm lĩnh được nhiều.

Xuất thô mà giá bán không hấp dẫn, mẫu mã chưa được chú trọng nhiều, do vậy, nông sản nước ta rất dễ bị ép giá trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, nhiều nơi nông dân sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, chạy theo phong trào, thấy cây nào có lợi nhuận cao thì thi nhau trồng, dẫn đến cung vượt cầu. Còn cơ quan chức năng thì không đưa được ra quy hoạch hay định hướng rõ ràng, hoặc có quy hoạch nhưng không quản lý được, để người dân phá vỡ quy hoạch.

Để bán được hàng với giá tốt, người nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất, bỏ thói quen trồng theo phong trào. Nếu tiếp tục duy trì phương pháp thích gì trồng nấy, ít đầu tư cho chất lượng cây trồng thì chắc chắn người nông dân sẽ còn bị thương lái ép giá. Đã đến lúc, người nông dân phải tham gia vào các mô hình kinh tế hợp tác, qua đó chuyên môn hóa các khâu trong chuỗi giá trị nông dân sản xuất… Từ đó, họ sẽ sản xuất theo kỹ thuật cao và có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối, bảo đảm đầu ra, giá cả.

Mặt khác, muốn giải quyết vấn đề xuất khẩu nông sản, trước hết, vấn đề thông tin thị trường phải đặt lên hàng đầu. Hiện nay, không chỉ nông dân mà ngay các nhà sản xuất cũng không nắm được đầy đủ các thông tin thị trường, mà chỉ chạy theo những đơn hàng mang tính thời vụ. Do vậy, khi được mùa một loại hàng nông sản, doanh nghiệp thường bỏ mặc nông dân tự lo toan, xoay sở, dẫn tới tình trạng đổ đống, ế thừa hàng nông sản.

Năm 2015, sẽ có thêm nhiều thách thức mới cho nông sản Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do được thực thi. Để hạn chế tình trạng sản xuất tràn lan, cung vượt cầu gây ùn ứ, rớt giá và bảo vệ quyền lợi người nông dân thì nhà nước cần cung cấp các thông tin về năng lực sản xuất, cung ứng, tiêu thụ của thị trường để nông dân, doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến sau thu hoạch. Bên cạnh đó, cần mở rộng kênh tiêu thụ thông qua xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào một thị trường nhất định./. 

theo VOV


Lượt xem: 22

Trả lời