Doanh nghiệp chia sẻ khó khăn, khắc phục ảnh hưởng dịch Covid-19

Cập nhật 14/10/2020, 14:10:33

Bên cạnh việc duy trì kinh doanh, hỗ trợ việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa đang chia sẻ, chung tay tiêu thụ nông, thủy sản.

Mấy tháng nay, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến khách du lịch sụt giảm, nhiều nhà hàng hoạt động cầm chừng, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn khiến hàng trăm tấn cá mú được nuôi tại tỉnh Khánh Hòa không thể xuất bán. Chuỗi liên kết thu mua bị đứt gãy khiến giá cá mú rớt thê thảm. Các hộ nuôi trồng thủy sản tại thành phố Cam Ranh đã bắt tay với siêu thị Co.op Mart Nha Trang để “giải cứu” cá mú.

Ông Võ Đình Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết, mỗi ngày siêu thị tiêu thụ được khoảng 400 kg cá mú, ngoài ra còn tiêu thụ khoảng 5 tấn dưa hấu, khoai lang, vải thiểu cho các nhà vườn. Để giảm thiểu trung gian, tiết giảm chi phí, siêu thị đã mua hàng trực tiếp từ người sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm.

“Siêu thị hoàn toàn không thu bất kỳ phí của người sản xuất mở mã ở siêu thị. Siêu thị cũng trực tiếp đến từng ao nuôi, kiểm tra chất lượng và đưa hàng đi xét nghiệm mẫu, hỗ trợ bà con nông dân làm các thủ tục pháp lý, đưa hàng trực tiếp từ ao nuôi vào siêu thị để tiêu thụ. Khi cắt giảm được các khâu trung gian, giá cá sẽ giảm thấp cũng là cách để siêu thị hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân”, ông Dũng nói.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến kinh tế tỉnh Khánh Hòa khi tăng trưởng -9%. Tuy vậy, tỉnh Khánh Hoà tăng cường tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục qua đó thu hút được 12 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Các dự án được cấp mới như Nhà máy điện mặt trời; Nhà máy sản xuất yến sào; Nhà máy sản xuất thiết bị điện, cơ khí…kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mắm 584 – Nha Trang cho biết, nhiều năm qua, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm để di dời cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hoà đã đồng ý chủ trương đầu tư, xây dựng Nhà máy đóng chai nước mắm với công suất 20 triệu chai/ năm, tổng đầu tư hơn 23 tỷ đồng tại Cụm công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp chia sẻ, việc đầu tư nhà máy giúp doanh nghiệp đảm bảo xuất xứ nguồn gốc cho nước mắm truyền thống. “Nhu cầu được vào cụm công nghiệp Diên Phú đã được doanh nghiệp theo từ rất lâu. Trong thời điểm khó khăn, tỉnh Khánh Hòa càng có nhiều biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, đặc biệt theo chủ trương chung của Chính phủ. Doanh nghiệp đang làm các thủ tục, hoàn thiện hạ tầng để cuối năm vận hành nhà máy đóng gói”.

Tính đến nay, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ cho hơn 2.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với dư nợ 7.000 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi cho hơn hơn 11.000 khách hàng với số tiền miễn, giảm hơn 85 tỷ đồng.

Ông Đỗ Trọng Thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho biết, sự vào cuộc kịp thời của các Ngân hàng đã giúp cho các doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn khi nguồn thu sụt giảm, thu nhập bị gián đoạn. Tuy nhiên, do các ngân hàng huy động tiền gửi để cho vay, đã cắt giảm chi phí, lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp nên việc hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, miễn, giảm lãi suất cũng có giới hạn.

“Nói chung các gói hỗ trợ đã kịp thời trợ giúp chi doanh nghiệp, nếu có nguồn lực nhiều sẽ hỗ trợ được nhiều hơn nữa. Trong điều kiện đầu vào huy động vẫn phải đúng, đầy đủ cho người dân nhưng đầu ra phải tính đến khoanh nợ, giãn nợ. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên nếu ngân hàng được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước tốt hơn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa”, ông Thảo nói./.

Theo VOV


Lượt xem: 45

Trả lời