Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Sức ép điều chỉnh mô hình toàn cầu hóa

Cập nhật 23/5/2022, 14:05:03

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới khai mạc ngày 22/5 tại Davos, Thụy Sĩ theo hình thức gặp mặt trực tiếp, sau 2 năm phải tổ chức trực tuyến.

Trong 2 năm gián đoạn vừa qua, thế giới đã chứng kiến những sự kiện lớn diễn ra, tạo nghi ngại về mô hình toàn cầu hóa kinh tế và gây sức ép phải điều chỉnh mô hình này.

Mô hình toàn cầu hóa kinh tế từ 30 năm qua đã tận dụng thế mạnh riêng của từng vùng, từng nước, đưa chi phí sản xuất xuống mức thấp nhất có thể.

Tuy nhiên những sự kiện rung chuyển thế giới trong 2 năm qua cho thấy, mô hình này có cái hay, nhưng cũng có cái dở. Tờ Basler Zeitung ra tại Thụy Sĩ cuối tuần trước đăng phát biểu của ông Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng: “Thế giới đang ở một bước ngoặt lịch sử. Thương mại quốc tế hiện nay có xu hướng quay lại co cụm trong từng khối lớn và coi các khối khác là đối thủ”.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới: Sức ép điều chỉnh mô hình toàn cầu hóa - Ảnh 1.

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2022. (Ảnh: Reuters)

Châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc đều đang tìm cách củng cố quyền tự chủ chiến lược của riêng mình, không còn ủng hộ tự do thương mại một cách vô điều kiện như trước. Tuần báo kinh tế Pháp Le nouvel Économiste đã phỏng vấn chủ một số tập đoàn đa quốc gia và nhận xét: “Họ không muốn quay lại với chủ nghĩa biệt lập như trước kia, nhưng cũng không còn hào hứng với tự do thương mại”.

Bài báo viết: “Chủ một tập đoàn đầu tư toàn cầu của Mỹ đã từng tuyên bố rằng các doanh nghiệp đang phải đánh giá lại chuỗi cung ứng và có thể phải từ bỏ phần nào mô hình thuê gia công ở nước ngoài, kể cả khi phải chấp nhận chi phí cao hơn và lợi nhuận thấp hơn”.

Báo chí châu Âu có nhiều bài viết về nỗ lực tái lập tự chủ trong sản xuất của mỗi nước châu Âu, nhưng thực hiện không dễ dàng. Tờ Alternatives Economiques viết: “Hàng hóa nếu thực sự sản xuất được trên đất Pháp, thì vẫn phải lệ thuộc nhiều nguyên liệu bên ngoài”.

Theo biểu đồ cùng bài báo, mức độ nước Pháp phụ thuộc vào hóa chất nhập khẩu lên tới hơn 40%, cùng với nông phẩm, vật tư vận tải, luyện kim hay khoáng sản… Còn xét về đối tác, sản xuất của nước Pháp lệ thuộc nhiều vào Mỹ, Trung Quốc… và Việt Nam.

Trước ngày tới đây tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Tây Ban Nha đã tuyên bố: “Muốn biến Tây Ban Nha trở thành một nơi chuẩn mực và tiên phong trong việc sản xuất vi mạch và chất bán dẫn trên lục địa châu Âu”.

Nhật báo Tây Ban Nha El Dia viết: “Tây Ban Nha cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các nước châu Á và tăng quyền tự chủ chiến lược, cũng giống như Liên minh châu Âu lúc này, đang cố gắng tự chủ về năng lượng, dược phẩm, hoặc pin chạy xe hơi… Nói cách khác là không hoàn toàn dựa vào mô hình toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tự do của 30 năm trở lại đây”.

Theo VTV


Lượt xem: 7

Trả lời