5 năm cơ cấu lại ngân sách Nhà nước: Nhiều mục tiêu hoàn thành vượt kế hoạch

Cập nhật 25/1/2021, 07:01:42

Thu ngân sách bền vững với thuế nội địa chiếm 85%, tỷ lệ nợ công trên GDP giảm gần chục % là một trong những kết quả Nghị quyết 07 đạt được sau 5 năm triển khai.

Cách đây gần 5 năm, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị đưa ra những định hướng tài chính cho cả một thời gian dài để Quốc hội, Chính phủ và ngành tài chính có các giải pháp điều hành ngân sách giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nghị quyết 07 ra đời trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang chịu những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng có giá trị lớn được tung ra trước đó tuy giúp nền kinh tế không rơi vào vòng xoáy suy thoái nhưng đã gây những tác dụng phụ rất lớn như tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư công, lạm phát cao, ngân sách đầu tư dàn trải và phụ thuộc nhiều vào thuế nhập khẩu, đất đai, tài nguyên. Thế nhưng sau 5 năm, mọi việc đã khác nhờ các giải pháp quyết liệt trong Nghị quyết 07.

Việc cơ cấu lại ngân sách 5 năm qua còn thể hiện ở việc đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trao thêm quyền để các đơn vị tạo thêm nguồn lực, qua đó tự cân đối được tài chính. Nhờ vậy, tỷ lệ chi thường xuyên đã giảm từ mức 68% xuống còn 63% vào cuối năm qua.

5 năm cơ cấu lại ngân sách Nhà nước: Nhiều mục tiêu hoàn thành vượt kế hoạch - Ảnh 1.

Việc thực hiện tốt các định hướng trong Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách, quản lý nợ công thời gian qua đã mang lại những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế. Lạm phát được đẩy lùi và đi vào kiểm soát, đầu tư tránh dàn trải, kỷ luật, kỷ cương tài chính được thắt chặt, qua đó giúp cho tài chính quốc gia và doanh nghiệp từng bước được củng cố, phát triển an toàn và bền vững.

Cụ thể, tất cả các mục tiêu mà Nghị quyết 07 đề ra cho giai đoạn 2016 – 2020 cho đến nay đều đã đạt và vượt mức quy định như:

– Tổng thu ngân sách trong cả giai đoạn đạt 6,89 triệu tỷ đồng, bằng 100,4% kế hoạch, gấp 1,65 lần giai đoạn 5 năm trước;

– Cơ cấu thu ngân sách bền vững nhờ thu nội địa chiếm 85%, thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm từ 30% ở giai đoạn trước xuống còn 14,5%;

– Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, chi cho đầu tư phát triển tăng lên mức 29%, vượt mục tiêu 25 – 26%; trong khi chi thường xuyên giảm xuống 63,1%, đảm mục tiêu đề ra dưới 64%;

– Bội chi ngân sách bình quân 5 năm qua khoảng 3,6% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra 4%

– Tài chính quốc gia được củng cố đã giúp tỷ lệ nợ công trên GDP giảm dần qua các năm. Từ mức 63,7% năm 2016 xuống còn 55,8% vào cuối năm 2020, thấp hơn cả chục % so với mục tiêu Nghị quyết 07 đề ra.

Thực tế thời gian qua cho thấy, cơ cấu lại ngân sách cũng là một nội dung của cơ cấu lại nền kinh tế. Chính vì vậy, những kết quả khả quan trong cơ cấu ngân sách 5 năm qua đã tạo điều kiện để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng chủ động và bền vững hơn.

Sự ổn định kinh tế vĩ mô có được từ tái cơ cấu ngân sách như việc Nhà nước giảm vay bù đắp thiếu hụt ngân sách, qua đó giảm áp lực lạm phát, tăng đầu tư công… là cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm.

Khi ngân sách không phục thuộc nhiều vào thuế xuất nhập khẩu sẽ là điều kiện để Việt Nam đẩy nhanh cắt giảm thuế theo các hiệp định thương mại tự do. Đây là cơ hội để xuất nhập khẩu tăng nhanh, qua đó kéo nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào những mặt hàng chúng ta có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Điều hành tài chính nhờ vậy sẽ tích cực hơn, thay vì chỉ đảm bảo cân đối thu chi.

Quản lý ngân sách tiết kiệm và hiệu quả, bội chi ngân sách giảm nhanh cũng đã giúp nhu cầu vay nợ giảm xuống. Điều này cộng với việc tăng cường quản lý nợ, kiểm soát chặt chẽ từ khâu huy động, phân bổ cho đến sử dụng vốn vay đã làm tăng hiệu quả các dự án sử dụng vốn vay.

Tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ so với GDP giảm mạnh không chỉ tạo dư địa cho chính sách tài khóa đối phó với các rủi ro dịch bệnh, thiên tai gây ra mà còn đảm bảo cho chúng ta trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản vay trước đây. Chính điều này giúp cho định mức tín nhiệm quốc gia được giữ vững với triển vọng ổn định trong thời điểm cả thế giới khó khăn hiện nay, qua đó tạo cho Việt Nam có thế và lực khi hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo VTV


Lượt xem: 19

Trả lời