Chương trình phổ thông mới: Thiếu thiết bị, cô sẽ hát cho trò nghe?

Cập nhật 27/8/2019, 09:08:02

Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định, chương trình sẽ khuyến khích học sinh tự phát hiện năng lực và thói quen tự học.

Theo kế hoạch, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức triển khai vào năm học 2020 – 2021 ở cấp tiểu học, lớp 1, sau đó là các lớp, bậc học tiếp theo. GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, chương trình mới có 3 điểm thay đổi cơ bản về phương pháp xây dựng chương trình, cách phát triển, hình thành các năng lực cốt lõi cho học sinh và sự phân biệt rõ giữa giai đoạn giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Chương trình mới cho phép học sinh được lựa chọn môn học theo sở thích, năng lực của mình. Trong khi, giáo viên được bồi dưỡng để đáp ứng dạy tích hợp, phát triển năng lực học sinh.

chuong trinh pho thong moi: thieu thiet bi, co se hat cho tro nghe? hinh 1
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khuyến khích học sinh tự phát hiện năng lực và thói quen tự học.

Băn khoăn của giáo viên

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga, Giáo viên trường Phổ thông dân tộc Bán trú Thái Thịnh (tỉnh Hòa Bình) hiểu rằng, dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được gì qua việc học. “Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn”, cô Nga chia sẻ.

Đối với vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn, việc dạy học theo hướng tích hợp, phát triển năng lực học sinh cũng là mong muốn của nhiều giáo viên, bởi học sinh không còn thụ động như trước. Tuy nhiên, dạy theo năng lực học sinh cũng đặt ra không ít băn khoăn lo lắng, nhất là về điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy học.

Trăn trở với học sinh nghèo người dân tộc thiểu số, cô Đặng Thị Huyền – Trường Phổ thông dân tộc Bán trú ĐăkRong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), nơi có 95% học sinh người dân tộc Banar cho biết: “Đối với học sinh dân tộc thiểu số, chương trình phổ thông mới giảm nhẹ về kiến thức, cho học sinh cơ hội tự chọn môn học theo năng lực, sở trường là thực sự phù hợp. Giáo viên rất mong được bồi dưỡng, tập huấn về dạy tích hợp, dạy học phát triển năng lực học sinh. Và đồng thời mong muốn được hỗ trợ về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Có như vậy thì việc dạy và học của thầy và trò mới thuận lợi và đạt kết quả mong đợi”.

Giải đáp từ Bộ Giáo dục-Đào tạo

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đã chú trọng việc bồi dưỡng, tập huấn giáo  viên: “Muốn phát triển năng lực học sinh thì khâu quan trọng nhất là đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, cũng như kiểm tra đánh giá. Đổi mới phương pháp dạy học, làm sao để tổ chức được cho học sinh học một cách tích cực, tự lực thông qua các bài học, để từ đó học sinh sẽ phát triển được các năng lực”.

Giáo viên băn khoăn không có thiết bị dạy học thì làm thế nào? “Băn khoăn này là thoả đáng, nhưng có nhiều cách làm”, ông Thành trả lời.

chuong trinh pho thong moi: thieu thiet bi, co se hat cho tro nghe? hinh 3
PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Ví dụ, cho học sinh nghe một bài hát. Nếu có thiết bị nghe như radio, băng đĩa thì tốt, nếu không có thì cô giáo hát, hoặc cho học sinh hát… Nghĩa là giáo viên phải chủ động, sáng tạo, không lệ thuộc vào sách giáo khoa và thiết bị”, ông Thành nói.

Phó Vụ Trưởng Vụ Trung học phổ thông cũng lấy ví dụ: học sinh được hướng dẫn để đọc, để lĩnh hội kiến thức từ trong văn bản, thì qua đó vừa có được kiến thức, vừa phát triển được năng lực đọc hiểu, năng lực ngôn ngữ. Trong quá trình đọc hiểu, bài giảng được thiết kế tạo cơ hội cho học sinh được thảo luận, tương tác với nhau, thì sẽ phát triển được năng lực giao tiếp hợp tác.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT đang triển khai bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình theo kế hoạch mà Bộ đã ban hành. Theo đó, bồi dưỡng cho 4 nhóm đối tượng chính, gồm: giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên phổ thông, Hiệu trưởng các trường phổ thông, cán bộ quản lý (CBQL) cấp sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi đối tượng.

TS. Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã bồi dưỡng cho 200 báo cáo viên nguồn, 800 giảng viên sư phạm/giảng viên quản lí giáo dục chủ chốt; tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cho giảng viên sư phạm chủ chốt.

Với phương thức tập huấn, bồi dưỡng kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, trong đó sử dụng tối đa đào tạo trực tuyến và tài liệu được số hóa, giáo viên và cán bộ quản lý có thể vừa nghiên cứu tài liệu, vừa sự tương tác chặt chẽ với các giảng viên sư phạm qua mạng internet. Các khóa tập huấn trực tiếp được tổ chức sau đó, chú trọng việc thảo luận các nghiên cứu điển hình và giải đáp những vấn đề cần làm rõ.

“Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 28.000 thầy cô tại các trường được lựa chọn là giáo viên cốt cán. Trung  bình mỗi trường sẽ có 1 thầy cô là giáo viên cốt cán được tập huấn ở Trung ương. Ở trong mỗi địa phương sẽ có đầy đủ các thầy cô bộ môn và quản lý hoạt động giáo dục được bồi dưỡng để sau này họ sẽ trở thành những người nòng cốt trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đến địa phương. Họ chính là những người hỗ trợ các đồng nghiệp tại nhà trường”, ông Minh cho biết.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, các thầy cô giáo ở các trường sẽ trực tiếp truy cập vào nguồn tài liệu trên mạng để tự học, tự nghiên cứu, chuẩn bị cho bài học của mình, với sự hỗ trợ trực tiếp của giáo viên cốt cán và sự hỗ trợ qua mạng của giảng viên chủ chốt từ các trường sư phạm. Những đợt tập huấn này sẽ được triển khai trực tiếp tại nhà trường, hay còn gọi là tập huấn tại công việc./.

 VOV.

Lượt xem: 17

Trả lời