Việc tốt của một nghệ nhân bài Chòi ở làng Gò Cỏ

Cập nhật 12/8/2022, 07:08:20

Gò Cỏ nằm ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, là ngôi làng du lịch OCOP đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi.  Một trong những sản phẩm đặc biệt của ngôi làng cổ này là những làn điệu bài chòi. Và khi đến đây, du khách sẽ được gặp gỡ một người phụ nữ khá đặc biệt. Năm nay đã 69 tuổi, học chưa xong lớp xóa mù chữ nhưng lại sáng tác được nhiều tác phẩm bài chòi rồi truyền dạy người dân trong làng để cùng làm du lịch cộng đồng- đó là bà Huỳnh Thị Thương, hay gọi là bà Tư Thương, nghệ nhân bài chòi ở làng Gò Cỏ. Quan điểm lao động của bà Tư Thương đang là “việc tốt” cho làng Gò Cỏ.

“Rồi đây khu du lịch nó đứng đầu. Khách đi qua lại ngày sau ta vững bền. Ông già bà lão đứng lên, xây dựng cuộc sống mới vững bền cho các con”, là lời 1 bài hát mà  bà Huỳnh Thị Thương – Làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã sáng tác , bà chia sẻ: Mình sáng tác ra, rồi các con các cháu, ai hâm mộ rồi mới tới lấy bài này về học cho thuộc, rồi khách tới, mình hát cho khách nghe”.

Hơn 4 năm trước, bà Tư Thương cùng một số người dân trong làng Gò Cỏ có chuyến tham quan, học hỏi cách làm du lịch cộng đồng ở đảo Cù Lao Chàm. Sau chuyến đi, bà bỗng dưng viết lời mới một vài làn điệu bài chòi, rồi giới thiệu cho mọi người trong làng.

Bà Bùi Thị Vân – Làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi nói: “Bảo bả đọc cho nó suông rồi đặng nhớ thôi, chớ coi trong chữ là không biết đường nào mà hát theo được, rồi đứa chập lại, đứa khúc, đứa khúc, rồi ráp lại, nó mới thành”.

 Bà Tư Thương năm nay 69 tuổi. Nhà có nhiều đời biết hát và sáng tác bài chòi. Bà cũng rất mê hát bài chòi nhưng chưa khi nào nghĩ mình lại sáng tác được lời cho làn điệu này. Bởi, thời trẻ bà từng học lớp bình dân xóa mù chữ nhưng phải bỏ ngang giữa chừng vì chiến tranh loạn lạc.

Ngày đêm mày mò học viết chữ để viết lời mới cho bài chòi. Thời điểm hiện tại, gia tài quý giá nhất của người phụ nữ này là hơn 20 tác phẩm dân ca bài chòi lời mới. Những câu ca mộc mạc, giản dị như hơi thở, nhịp sống của làng quê. Làng Gò Cỏ-nơi bà Tư Thương đang sinh sống giờ đã được công nhận là làng du lịch OCOP đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi. Khách nhiều nơi ghé thăm. Bà càng tích cực sáng tác và dạy bài chòi cho nhiều người trong làng để cùng nhau làm du lịch cộng đồng. Hội Bài chòi – Hát hố Gò Cỏ cũng đã được thành lập và hoạt động thường xuyên để phục vụ du lịch.

Bà Bà Huỳnh Thị Thương – Làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi bộc bạch: “Nhiều đêm cô nằm ngủ không được, vì cô mừng quá mà ngủ không được. Bây giờ mình cố gắng, được sức nào mình cố gắng để mình làm nên nhiều nhiều bài hát. Mình có chết đi, mình để lại sau này con cháu nó lấy theo cái đây mà nó hát”.

Gò Cỏ, nơi hội tụ và giao thoa của ba nền văn hóa: Sa Huỳnh, Chămpa và Đại Việt.  Ở nơi này, bà Tư Thương và người dân trong làng đang cùng nhau giữ gìn và phát huy các giá trị di sản.

Nhịp gõ phách, tiếng hô bài chòi là nhịp điệu của thời gian ở ngôi làng cổ.

(Đài Quảng Ngãi)


Lượt xem: 4

Trả lời