Ứng phó với hạn hán – Kinh nghiệm từ xã Mỹ Sơn

Cập nhật 07/5/2018, 09:05:39

Với nông dân trong tỉnh Ninh Thuận, việc “sống chung với hạn” và kinh nghiệm ứng phó, chủ động trong sản xuất nông nghiệp đã được nâng lên, trong đó, nông dân xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn là một điển hình.

Trong những ngày đầu tháng 5, thời tiết nắng nóng khá gay gắt, nhưng những cánh đồng trồng đậu xanh hơn 50 ha của nông dân thôn Mỹ Hiệp phát triển tốt và đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Chị Tà Yên Thị Liến cho biết: trước đây, đất này chỉ trồng lúa, ba năm trở lại đây, do thiếu nước nên bà con chuyển sang trồng một vụ đậu, một vụ lúa, đạt hiệu quả khá cao. Vụ Đông Xuân 2018, gia đình chị Liến trồng 4 sào đậu xanh, năng suất đạt 1,2 tạ/sào, với giá bán từ 25 – 27.000 đồng/kg khô như hiện nay, sau khi trừ chi phí, chị lãi gần 10 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với trồng lúa.

Chị Tà Yên Thị Liến – thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận nói: Đầu tiên là trồng lúa, mùa này là trồng đậu, đang thu hoạch đây, mùa này thấy đạt nè, một sào là 20 bao vỏ rồi.

Sau mùa hạn năm 2014 – 2015, từ định hướng của ngành Nông nghiệp, xã Mỹ Sơn là một trong những địa phương thường xảy ra hạn cục bộ của huyện Ninh Sơn đã tăng cường vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn. Vụ Đông – Xuân 2017-2018, xã đã chuyển đổi trên 51 ha, với các loại cây trồng ngắn ngày như: bắp, đậu xanh, rau các loại và cây dài ngày như: đu đủ, dừa, mãng cầu… Đến nay, các loại cây ngắn ngày đã cho thu hoạch và đạt năng suất khá cao. Riêng đậu xanh năng suất bình quân 1,2 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 1,5 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/ha.

Anh Chăm Ngọc Hoàng Lan – Trưởng BQL thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận cho biết: “Trước đây, bà con là tự tung tự tác, làm theo kiểu da beo, làm theo truyền thống của bà con, sau được đảng, được chính quyền địa phương định hướng cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng cạn bà con cũng thấy hiệu quả, lượng nước sử dụng ít vào mùa khô hạn”.

Năm 2018, xã Mỹ Sơn đề ra kế hoạch chuyển đổi cây trồng cạn 121 ha; trong đó, vụ Đông-Xuân 2017-2018 đã thực hiện được 51 ha, còn hơn 70 ha sẽ thực hiện trong vụ Hè-Thu này. Qua chuyển đổi cho thấy, các chi phí từ công đầu tư đến công lao động được tiết kiệm nhiều, lợi nhuận cũng khá cao so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Văn Sỹ – Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận cũng đánh giá: “Qua hình thức chuyển đổi cây trồng như thế này thì thứ nhất là đáp ứng được cái nguồn nước và đặc biệt là tăng nguồn thu nhập  bà con cũng đã ý thức được rất cao, cái đó thể hiện ở việc vùng nào thiếu nước, đảm bảo cho cây trồng ngắn ngày phù hợp, sử dụng ít nước và có hiệu quả thì ý thức của người dân tương đối cao”.

Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn đã đem lại hiệu quả thiết thực, là giải pháp tốt để nông dân các địa phương ứng dụng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Mộng Thu – Công Phong


Lượt xem: 88

Trả lời