Quảng Nam – Tín hiệu vui từ đào tạo nghề dân tộc thiểu số

Cập nhật 04/5/2017, 13:05:16

Tại tỉnh Quảng Nam, sau hơn 4 tháng triển khai quyết định 3577 của UBND tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh đã có hơn 600 lao động qua đào tạo và trở thành công nhân của các doanh nghiệp may.

Hơn một tháng qua, ở Công ty may Minh Hoàng II, Khu Công nghiệp Điện Nam (xã Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) có một dây chuyền may khá đặc biệt. Lao động không phải là người Kinh mà 35 lao động đểu là người dân tộc thiểu số của huyện Nam Giang. Họ là những công nhân hoàn thành nghề may đầu tiên theo quyết định 3577 của tỉnh Quảng Nam.

Chị Blúp Thị Yến – xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Từ miền núi, vùng sâu vùng xa đi xuống đô thị cũng bỡ ngỡ, cũng thấy lạ, nhưng rồi cũng quen dần, tiếp cận với anh chị cũng thân thiện, khi vô chuyền, các anh chị cũng giúp nhiều, ở đây thu nhập ổn định, hàng tháng có tiền gởi về cho gia đình”.

Bà Lê Thị Bé – Tổng Giám đốc Công ty May Minh Hoàng II   đánh giá: “Họ tuân thủ nội quy công ty, tác phong công nghiệp, tiếp cận, thích nghi với môi trường công nghiệp rất nhanh. Doanh nghiệp ký kết hợp đồng, tuân thủ chế độ chính sách, bảo hiểm xã hội, ưu đãi”.

Thành công từ các lớp may công nghiệp theo quyết định 3577 mở ra một hướng đi mới trong đào tạo lao động, giải quyết việc làm ở các huyện miền núi. Ngoài việc lao động hưởng lương tại doanh nghiệp còn tác động tích cực đến người dân miền núi về học nghề, giải quyết việc làm trong tương lai.

          Chị Plong Ưu – xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nói: Em sẽ tuyên truyền cho các bạn biết rằng đi làm cái gì cũng có cái cực của nó, nhưng mình làm ở đây thì mình kiếm được nhiều tiền hơn, cuộc sống đỡ hơn, mình bớt bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

          Nhận thức về học nghề lập nghiệp của lao động người dân tộc thiểu số đã có thay đổi, song để hoàn thành chỉ tiêu 12.000 lao động qua đào tạo trong năm 2017 này, các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam cùng các doanh nghiệp tiếp tục có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn. Có như vậy, cơ chế đào tạo và giải quyết việc làm đối với bà con dân tộc mới thực sự lan tỏa, góp phần đưa chủ trương giảm nghèo bền vững ở miền núi đi vào cuộc sống./.

Tấn Sỹ


Lượt xem: 66

Trả lời