Quảng Nam thành công những sản phẩm OCOP đầu tiên.

Cập nhật 11/3/2019, 12:03:05

Quảng Nam là một trong những địa phương triển khai sớm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đã đạt được những kết quả khả quan trong năm 2018.

Triển khai Phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP và là 1 trong 3 tỉnh của cả nước tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm trong năm 2018, Quảng Nam đang tiến những bước đầu tiên trên con đường biến tiềm năng từ nhiều vùng, miền của tỉnh thành những sản phẩm lợi thế, có tính cạnh tranh, để cải thiện thu nhập và đời sống cho người dân nông thôn.

Năm 2018, tổng kinh phí triển khai Chương trình OCOP tại Quảng Nam trên 19,6 tỷ đồng. Mới chỉ triển khai từ tháng 5/2018, nhưng Quảng Nam đã xây dựng, triển khai chu trình OCOP thường niên, bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng tạm thời. Hơn 30 sản phẩm tham gia Phương án thí điểm năm 2018 và 27 sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm, Quảng Nam được đánh giá là một trong những địa phương triển khai nhanh và hiệu quả nhất Chương trình OCOP so với cả nước. Kết thúc năm 2018, những sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh đã được công nhận với 4 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 11 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Trong đó, rất nhiều sản phẩm chất lượng đến từ các huyện trung du, miền núi như tinh dầu sả, tinh dầu quế, rượu lòn bon Tiên Phước, Túi thổ cẩm A Đhir hay Cao chè vằng Đông Giang …

       Ông Nguyễn Văn Nhật – HTX Dịch vụ Nông nghiệp – Kinh doanh tổng hợp Nhật Linh, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam cho biết: ” Chúng ta phải xây dựng chuỗi giá trị của sản phẩm, gắn người nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó thu hút người tiêu dùng”.

Ông Hồ Quang Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, Quảng Nam cũng cho biết : “Năm 2018 huyện đăng ký được 1 sản phẩm là cây chè dây đạt chất lượng tiêu chuẩn 3 sao. Năm nay tiếp tục nâng chất lượng cây chè dây thành tiêu chuẩn 4 sao và đăng ký thêm 3 sản phẩm nữa”.

Điều đáng ghi nhận là có tới 16 HTX tham gia Phương án thí điểm, chiếm tỷ lệ gần 50%, và rất nhiều những thanh niên trẻ có trình độ đại học cũng mạnh dạn khởi nghiệp, trở thành những chủ thể OCOP với nhiều ý tưởng mới, cách làm sáng tạo và hiệu quả. Đây sẽ là những nhân tố quan trọng để Quảng Nam phát triển chương trình OCOP trong thời gian tới. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2019, đã có 93 sản phẩm, ý tưởng đăng ký tham gia OCOP để tỉnh rà soát, lựa chọn 80 sản phẩm, ý tưởng hay phát triển trong năm nay. Điều đó đang thể hiện tính lan toả của chương trình đến với người dân, nhất là người sản xuất – những chủ thể của chương trình OCOP.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết: Tỉnh chọn những sản phẩm vốn đã có ở địa phương cho nông dân đăng ký và sở hỗ trợ hoàn thiện. Trong một thời gian tỉnh đã thực hiện được chương trình ocop cho một số sản phẩm được đánh gía cao”.

Những bước đi thành công trong năm 2018 sẽ là tiền đề để Quảng Nam tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Những vấn đề cần tập trung hiện nay là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân, nhất là người sản xuất hiểu rõ và đăng ký tham gia nhiều hơn; nghiên cứu ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm phù hợp với đặc thù của Quảng Nam. Trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng liên kết với doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Đồng thời, cần tập trung cho công tác xúc tiến thương mại thông qua việc tổ chức các hội chợ nông sản, xây dựng các trung tâm OCOP trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá những sản phẩm OCOP Quảng Nam đến với đông đảo người tiêu dùng./.

Kim Ngân – Tấn Châu  (Đài Quảng Nam)


Lượt xem: 39

Trả lời