Quảng Nam – Sạt lở và nỗi lo mất nhà, mất đất sản xuất ven sông

Cập nhật 16/11/2020, 14:11:54

Nhiều ngày qua, câu chuyện sạt lở thật sự trở thành nỗi ám ảnh với các tỉnh miền Trung, khi mà con số thương vong không hề nhỏ. Tại tỉnh Quảng Nam, với địa hình dốc ngắn cộng với thời tiết đang vào mùa mưa, thì dường như câu chuyện sạt lở vẫn chưa dừng lại ở đó. Nếu sạt lở núi gây thương vong, thì sạt lở sông và bờ biển đang lấy dần cơ hội sống, kế sinh nhai của hàng trăm gia đình. Phóng sự được thực hiện tại khu vực thượng nguồn sông Thu Bồn – nơi đất đai không chỉ để ở, mà còn là phương tiện sản xuất của hàng trăm hộ dân, cứ như vậy lần lượt trôi theo dòng nước.

Cuộc đời gắn liền với chiếc thuyền và sông nước nơi thượng nguồn sông Thu Bồn, ông Phạm Duy ở thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên chứng kiến không ít lần sạt lở bờ sông; nhưng sạt lở như năm nay, theo ông là chưa từng có. Quy luật bên lở bên bồi mà những người có kinh nghiệm từng khẳng định, nay dường như cũng không còn.

Ông Phạm Duy – Thôn Phú Đa 1, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam cho biết: “Ở sông thì chuyện sạt lở, bên lở bên bồi vào mùa mưa là bình thường. Nhưng năm ni lạ lắm, cái bờ tre nhìn đây là thấy. Chuyện cả mấy trăm mét tre mấy chục năm là nghĩ bảo vệ rồi, chừ thì cuốn hết xuống sông. Tôi nghĩ mưa lớn quá, lượng nước quá nhiều, tre cũng chịu”.

Sau nhiều đợt mưa liên tiếp, lượng mưa khu vực miền núi đến vài trăm milimet liên tục, đã khiến lượng nước lớn đổ về xuôi, bùn đất rửa trôi, nền đất bị ngâm lâu cũng mất dần khả năng kết dính; và chuyện sạt lở chỉ là sớm muộn. Vùng ven bãi bồi Sông Thu, mùa nắng thú vị bao nhiêu, thì mùa mưa năm 2020 thật sự là nỗi ám ảnh… Những căn nhà không chỉ mất hẳn khoảng sân sau, nơi vẫn được tận dụng để chăn nuôi, làm rau màu; mà thậm chí nhiều nhà còn bị lở vào đến bếp, mất cả phần nhà dưới được xây kiên cố. Tình trạng này những năm gần đây càng nghiêm trọng hơn, và dù dự án kè chống sói lở bờ sông Thu Bồn đã được phê duyệt từ lâu, song đến nay vẫn chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam nói: “Sạt lỡ thật sự đang đe doạ cuộc sống người dân. Và thực tế thì địa phương cũng chỉ tính toán phương án ứng cứu, di dời hoặc là gia cố, giải quyết tạm thời. Xã thật sự rất lo lắng. Mong là dự án kè sẽ sớm triển khai để người dân yên tâm sinh sống, làm ăn”.

Đợt mưa lớn và hoàn lưu bão số 8, chỉ riêng địa bàn một xã ven sông như Duy Thu cũng đã có đến khoảng 2 nghìn mét vuông đất ở và đất sản xuất, chạy dọc từ thôn Phú Đa 1 đến thôn Thanh Xuyên với 50 hộ đứng ngồi không yên; thì sang đợt bão số 9, lượng mưa và nước tiếp tục đổ xuống, cuốn theo hàng nghìn mét vuông ở những thôn liền kề, kéo đến hạ du. Những bãi bồi hai bên bờ Thu Bồn và Vu Gia, qua các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn đều nằm trong vùng có nguy cơ./.

Hiền Viên – Trung Hiếu


Lượt xem: 44

Trả lời