Lâm Đồng: Lao đao những mùa hồng ăn trái

Cập nhật 15/10/2016, 20:10:22

D’ran- Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng được xem như thủ phủ của cây hồng ăn trái với diện tích trên 1 nghìn ha, hồng ăn trái đã có mặt ở mảnh đất này hơn 60 năm qua và nghề trồng hồng ăn trái cũng thăng trầm theo bao mùa quả và những biến động của thời gian!

15-10-lamdong

Vào dịp tháng 8 đến tháng 10 hàng năm thị trấn  D’ran- Đơn Dương luôn nhộp nhịp với không khí mua bán hồng ăn trái… Năm nay đã vào giữa vụ nhưng ngay cả vựa thu mua hồng cũng không mấy vui khi mùa hồng chịu hai tác động kép từ mất mùa và uy tín của quả hồng địa phương bị ảnh hưởng vì nhiều thông tin thất thiệt.

Bà Võ Thị Minh Tuyết- chủ vựa hồng- TT Dran- Đơn Dương – Lâm Đồng cho biết: “Năm nay thì hồng mất mùa, nhiều người nói mấy năm được 10 thì năm nay chỉ còn khoảng 2  phần, do mất mùa nên giá cũng hơi cao, nhưng thị trường cũng bị ảnh hưởng do người ta cứ nói hồng ở đây bị nhúng thuốc này khác nên người ta ngại ăn, nhưng thực tế thì như anh chị thấy hồng thu về rồi cho lên máy đánh bóng thôi”.

Ông Huỳnh Xuân Thưởng- Thị Trấn Dran- Đơn Dương – Lâm Đồng cũng nói: “Đây là xứ hồng, thủ phủ hồng  mà không củng cố được, không duy trì được thì  rất tiếc, cả miền Nam này chỗ nào có hồng, chỉ ở Đơn Dương, Phú Thuận này là chủ yếu, nông dân cảm thấy rằng giá cả không ra gì nên không chăm sóc kỹ nên sản lượng thấp”.

Ở Dran- Đơn Dương, nhất là vùng Phú Thuận có rất nhiều giống hồng ngon và gắn với nó là những tên tuổi của những lão nông đã sống suốt đời vì cây hồng, những tiền nhân như Tám Hải, Chín Nên đã khuất bóng nhưng những giống hồng mà họ đã nghiên cứu, cải tạo vẫn còn giá trị tồn tại bất chấp thời gian, song nghề  trồng cây hồng ăn trái còn duy trì được bao lâu vẫn là bài toán khó với nông dân!

Ông Phạm Ngọc Quang- TDP Phú Thuận- Dran- Đơn Dương cho biết: “Ở Phú Thuận này có 3 giống hồng chính là hồng vuông Tám Hải, hồng Trứng Láng và hồng ngâm Chín Nên, giá đầu mùa cũng được trên mười nghìn, nay còn 6 đến 8 nghìn tùy theo chất lượng. So mặt hồng so với giá cả nông sản khác, mặt hàng hồng thấp không còn duy trì được, những người đã trồng rồi hay những diện tích đồi dốc thì người ta cố gắng duy trì để đắp đổi qua ngày”.

Cùng với dứa Cayen, hồng Phú Thuận cũng có tiếng tăm không kém, nhưng dưới sức ép của cạnh tranh và nông sản mập mờ từ Trung Quốc, trái hồng Phú Thuận- Dran vẫn mang tiếng oan với những thông tin như nhúng thuốc bảo quản, thuốc làm bóng quả hay bị đánh đồng với hồng Trung Quốc… nên những người dân vẫn mong chờ được xây dựng và bảo hộ thương hiệu hồng Phú Thuận- Đơn Dương để còn hy vọng và tâm huyết với nghề trồng hồng!

Thùy Dương,  Trung Nghĩa

 

 

 


Lượt xem: 195

Trả lời