Khánh Hoà bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá

Cập nhật 26/11/2019, 14:11:30

Khánh Hoà có rất nhiều di sản gắn với những phong tục tập quán và những nét đẹp tự nhiên. Đó chính là hồn cốt, tài sản vô giá của xứ Trầm biển Yến. Chính vì vậy, thời gian qua, công tác nhận diện, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đã được tỉnh đặc biệt quan tâm.

 Ông Nguyễn Hổ – hậu duệ đời thứ 7 của Thượng thư Nguyễn Xuân Thục, đang nhận phần chăm lo hương khói cho mộ cụ Thượng thư. Hiện ông còn giữ gìn 23 chiếu chỉ, sắc phong của các đời vua Gia Long, Minh Mạng. Không chỉ giữ, ông còn giới thiệu cho con cháu trong làng vào mỗi dịp lễ hội, hay hướng dẫn cho các em học sinh, sinh viên khi cần tài liệu nghiên cứu.

Ông Nguyễn Hổ – Phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hoà, Khánh Hòa cho biết: “Từ thời thực dân Pháp đến nay ông cha tôi gìn giữ, chạy giặc cũng cuốn vô bao đem đi lên núi rồi đem về gìn giữ, bỏ trong hộp . đến thời đây vẫn còn nguyên vẹn , chúng tôi gìn giữ tốt, ép lại cho bài bản để rồi ngày cúng giỗ trưng bày ra để thể hiện được sự tôn kính con cháu mình”.

Song song với ý thức nâng cao trách nhiệm di sản của nhân dân, ngành Văn hoá tỉnh Khánh Hòa cũng triển khai nhiều hoạt động bảo tồn di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã phối hợp với các địa phương kiểm tra thực tế và hướng dẫn làm thủ tục về công tác tu bổ di tích, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đối với 5 di tích Quốc gia, 45 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác xã hội hoá nhằm huy động nguồn lực nhân dân để phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, trở thành những sản phẩm du lịch – văn hóa đặc thù, gắn kết với tuyến du lịch văn hóa, du lịch về cội nguồn.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Công tác trùng tu, tôn tạo về vật chất kiến trúc thực hiện trong 3 năm 2016-2019 đã được 26 di tích với nguồn kinh phí tỉnh 10 tỷ, ngân sách các địa phương 17 tỷ. trong đó xã hội hóa trong nhân dân khoảng 2,7 tỷ. song song công tác trùng tu, phát huy nhận thức của nhân dân ở kdc cũng được trung tâm phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Hàng năm , có các cuộc tập huấn cho các di tích cho cán bộ văn hóa xã, thôn rồi tổ chức các hội thi về di sản để nâng cao nhận thức trong cộng đồng, thanh niên, học sinh”.

Để việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn, hiện nay tỉnh Khánh Hòa đang tập trung khẩn trương hoàn thành việc lập hồ sơ xếp hạng, cắm mốc di tích, bia di tích theo đúng quy định pháp luật; nhất là các di tích gắn với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến của tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu nâng cấp và đầu tư hoàn chỉnh một số di tích có điều kiện gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về giá trị của các di tích… nhằm góp phần bảo vệ, gìn giữ những vốn quý vật chất, tinh thần mà cha ông để lại.

Như Quỳnh – Tiến Hoá (Đài Khánh Hòa)


Lượt xem: 73

Trả lời