Hiệu quả từ các mô hình tổ hợp tác

Cập nhật 28/10/2019, 13:10:11

Với mục đích cộng tác, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhiều mô hình Tổ hợp tác trên địa bàn huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi được thành lập và làm ăn có hiệu quả. Hoạt động của Tổ hợp tác đã hỗ trợ các tổ viên về vốn, kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ một cở sở trồng nấm rơm nhỏ lẻ, đến nay chị Nguyễn Thị Lý ở thôn Phước Toàn, xã Đức Hoà, đã nhân rộng lên 4 trại nấm với diện tích trên 100m2. Có được điều này là nhờ đầu năm 2018, chị Lý tham gia vào tổ hợp tác nấm ở địa phương, được chia sẽ kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ nên nấm của chị phát triển tốt. Bình quân mỗi tháng chị xuất bán 250-300 kg nấm, trừ chi phí thu về hơn 15 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Lý – Thôn Phước Toàn, xã Đức Hoà, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi cho biết: “Làm nấm có để chi tiêu chuyện này chuyện kia hơn lúc trước”.

Liên kết trong mấy hộ nấm, có một chị hồ thị thanh tuyền thu mua, rồi mình sản xuất tiêu thụ chỗ chị. một trại hái 40-50kg”.

Ông Trần Như Huân – Tổ trưởng Tổ hợp tác nấm xã Đức Hoà, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi cho biết: “Từ ngày vào tổ hợp tác được sự tài trợ từ nguồn vốn của Nhà nước. Rồi trong quá trình sản xuất thì mình phân tán thời gian sản xuất không tập trung như trước kia nên lượng hàng bán ra được đều đặn hơn, giá cũng ổn định hơn so với ngày trước”.

Nhận thấy ưu thế của hẹ là dễ trồng, mùa nào cũng có thể trồng được, một số hộ trồng hẹ ở Thôn 1, xã Đức Chánh đã cùng tham gia vào tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ hẹ, cùng nhau phát triển kinh tế. Sau gần 1 năm  thành lập, đến nay, tổ hợp tác có 20 hộ tham gia với tổng diện tích trồng hơn 2 hecta. Với giá bán khoảng 15 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi sào hẹ cho thu nhập từ 60 triệu đồng/năm.

Bà Nguyễn Thị Tấn – Xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi cho biết: “Cả đồng này 10 nhà trồng hẹ, ví dụ em thu khoảng 2 tạ, có bạn hàng tới lấy, con bé khác có bạn hàng khác tới lấy, bạn hàng cô báo 2 tạ, cô k đủ lượng hẹ thì cô xin mượn thêm hẹ của người trồng khác để cấp đủ cho bạn hàng, liên kết với nhau hàng ngày là thế đó”.

Hiện nay, mỗi xã trên địa bàn huyện Mộ Đức đều đã thành lập và phát triển các tổ hợp tác làm kinh tế, phù hợp với thế mạnh ở từng địa phương. Điển hình như tổ hợp tác trồng măng tây, gà thả rừng phòng hộ ven biển xã Đức Thắng; nấm rơm xã Đức Hòa, hẹ xã Đức Chánh. Việc hình thành các mô hình Tổ hợp tác ở huyện Mộ Đức đã đem lại nhiều lợi ích, kinh nghiệm cho người nông dân, khắc phục được tình trạng sản xuất tự phát, đầu ra không ổn định.

Ông Trần Văn Mẫn – Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi trao đổi thêm: “Các HTX kiểu mới, hoặc là các tổ hợp tác xã, các hợp tác xã hay tổ hợp tác cần phải lồng ghép giữa người có năng lực và người không có năng lực tài chính, tức là những người nghèo; rồi những người có nhiệt huyết có kiến thức với những người chưa có kiến thức thì cũng người nghèo và cận nghèo. Cách lồng ghép này là cách để cho người có kiến thức, có năng lực hỗ trợ cho người chưa có kiến thức, người nghèo; người có năng lực tài chính thì kéo những người không có năng lực tài chính. Như vậy sẽ kéo người nghèo, người chưa có kinh nghiệm và tạo ra phong trào, làm cho mọi người thấy rằng mình không đơn độc trong công cuộc, hành trình thay đổi cuộc sống tốt hơn”.

Chủ động nắm bắt cơ chế, chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, nhạy bén trước nhu cầu thị trường, những hộ nuôi trồng nhỏ lẻ huyện Mộ Đức đã tạo dựng nên mô hình Tổ hợp tác liên kết, từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị hàng hóa, tăng nguồn thu nhập kinh tế hộ gia đình và tự tin vươn lên làm giàu chính đáng./.

Trần Uyên- Mỹ Duyên (Đài Quãng Ngãi)


Lượt xem: 51

Trả lời