Gìn giữ và phát huy Lễ hội cầu ngư Phú Yên

Cập nhật 28/10/2016, 08:10:06

Với ngư dân ở các làng biển, lễ hội cầu ngư là lễ quan trọng nhất trong năm, cầu cho quốc thái dân an, xóm làng bình yên, xuôi chèo mát mái, tôm cá đầy thuyền. Nó được cộng đồng cư dân vùng biển lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành sinh hoạt văn hoá của cộng đồng. Mới đây, Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên được Bộ VH,TT và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là niềm tự hào không chỉ riêng bà con ngư dân mà còn là của người dân Phú Yên.

28-10-lehoi

Lễ hội cầu ngư đã gắn liền với ông Hồ Ngợi, 62 tuổi ở làng biển Phú Câu, phường 6, thành phố Tuy Hoà,  từ tuổi ấu thơ.

Đến năm 20 tuổi, ông Hồ Ngợi bắt đầu học nghi thức cúng và các bài cúng trong lễ cầu ngư. Đến nay, ông không nhớ mình đã làm chủ lễ cho bao nhiêu lễ hội cầu ngư ở làng biển Phú Câu.

 Ông  Ngợi, cho biết: “Đây là tâm đắc của ông cha mình và sự đam mê của mình, bà con tín nhiệm để mình cúng cầu cho quốc thái dân an”.

Với cư dân vùng biển Phú Yên, lễ hội cầu ngư mang ý nghĩa thật đặc biệt. Chính vì vậy mà cứ mỗi dịp tháng 3 hoặc tháng 5 âm lịch, những ngư dân lại tụ hội về Lăng Ông để tham gia lễ hội cầu ngư của làng biển.

Từ sáng sớm, sắc thần được thỉnh từ Lăng Ông và được ngư dân trang trọng rước về án thờ đặt trên bờ biển trong niềm vui chung của cả làng. Theo thông lệ, sắc thần sẽ được đưa xuống bờ biển, ngư dân làm lễ cúng ở 4 hướng, sau đó đưa về án thờ được đặt ngay trên bãi biển. Tại đây, đội chèo trạo tiến hành các nghi thức truyền thống của lễ hội cầu ngư.

Những ngày làng biển diễn ra lễ hội cầu ngư, ai cũng  có mặt để thắp nén hương khấn nguyện thần Nam Hải cầu cho gia đình bình an, lưới nặng cá đầy và hoà mình cùng các hoạt động văn hoá tại làng biển.

Ông Lê Bồng, Ban lễ Hội Cầu ngư phường 6 cũng cho biết: “Đây là tục lệ cổ truyền từ hồi xưa giờ. Lễ hội tươm tất thì làm ăn mới thuận buồm xuôi gió”.

Lễ hội cầu ngư là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt gắn với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát án, hát lăng, được cộng đồng cư dân làng biển giữ gìn từ xưa đến nay. Lễ hội cầu ngư tỉnh Phú Yên còn là không gian lưu trữ xác thực các bằng chứng liên quan đến chủ quyền biển đảo và cách ứng xử với biển của các thế hệ ngư dân.

Việc công nhận lễ hội cầu ngư là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia góp phần đẩy mạnh việc gìn giữ giá trị văn hoá của cư dân miền biển. Tuy nhiên, để thực sự phát huy giá trị văn hoá của lễ hội cầu ngư thì còn rất nhiều việc phải làm.

Ông Nguyễn Danh Hạnh, Phó Trưởng BQL Di tích tỉnh Phú Yên nói về tầm quan trọng của việc gìn giữ lễ hội: “Phải giữ được  môi trường mà đã sản sinh ra nó, những người có nhiều kinh nghiệm gìn giữ đã ngày một lớn tuổi, lớp trẻ ít hiểu biết hơn về lễ hội, cho nên quan trọng nhất là phải tiếp cận, sưu tầm gìn giữ di sản”.

Lễ hội cầu ngư thể hiện tín ngưỡng thờ Thần Nam Hải của cư dân vùng biển được duy trì từ xưa đến nay. Không chỉ cầu sự bình an cho ngư dân hành nghề trên biển mà lễ hội còn in đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân biển, nó gửi gắm những khát khao, mong ước cho những mùa biển lưới nặng cá tôm./.

Va Luyến – Quốc Hoàn

 


Lượt xem: 133

Trả lời