Câu chuyện về những căn hầm bí mật

Cập nhật 25/10/2018, 08:10:34

Khánh Hòa từ lâu được biết đến là vùng đất anh hùng khi lưu dấu nhiều cuộc chiến đấu ngoan cường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng… giờ đây đã trở thành những địa điểm để thế hệ trẻ tìm đến và tưởng nhớ công lao hy sinh của thế hệ cha ông vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày nay, thỉnh thoảng ở đâu đó trong những buổi họp mặt, thế hệ trẻ lại được nghe những câu chuyện về người dân đào hầm che giấu cán bộ cách mạng năm xưa. Hiện nay, nhiều căn hầm bí mật trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, hiện trạng và câu chuyện về những căn hầm bí mật này hiện vẫn còn nhiều điều đáng để suy ngẫm.

Căn hầm bí mật do vợ chồng bà Nguyễn Thị Mực ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa đào để che giấu cán bộ cách mạng từ năm 1954. Theo hiện trạng ban đầu, căn hầm được đào theo hình chữ L, miệng rộng khoảng 40cm2 với chiều sâu 1,5m và có thể che giấu cùng lúc được từ 2 đến 4 người. Năm 2007, gia đình bà sửa chữa lại căn nhà nên căn hầm cũng được tân trang lại. Miệng hầm được lát thêm gạch nhằm tránh sự sạt lở theo thời gian. Vì vậy, kích thước miệng hầm cũng thu nhỏ lại. Mong muốn của gia đình bà là căn hầm này được công nhận là di tích văn hóa lịch sử. Và trở thành nơi cho thế hệ con cháu đến tham quan để hiểu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương Ninh Hòa.

Bà Mực cho biết: “ Hồi giờ tui cũng nghĩ chỗ đây cũng có nhiều người tới tham quan, thì tui cũng nghĩ chắc đã xác nhận di tích rồi chứ cũng đâu còn tới giờ này mà tới mấy chục năm nay nên tui cũng rất buồn. Nói cho đúng ra thì tui cũng muốn nhà nước công nhận được di tích”.

          Theo cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Ninh Hòa, trước kia trên địa bàn thị xã vẫn còn có vài căn hầm bí mật. Tuy nhiên, hiện nay, những căn hầm này hầu như không còn nguyên vẹn; có những nơi đã san lấp, dấu vết căn hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng thuở nào cũng không còn. Có chăng, chỉ còn lại một số hiện vật đã từng được bố trí trong những căn hầm đó, như tủ, bàn… Những hiện vật này đang được lưu giữ tại Nhà Truyền thống thị xã Ninh Hòa. Khó khăn trong công tác khảo sát, công nhận hầm bí mật là di tích văn hóa lịch sử ở chỗ: đa số hầm đều nằm trong nhà dân. Do đó, nếu được công nhận là di tích lịch sử văn hóa thì gia đình không được thực hiện các quyền chuyển nhượng, mua bán đất đối với mảnh đất có cấm bia di tích lịch sử văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Lương- Cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa cho biết: “Vấn đề công nhận hầm bí mật là di tích lịch sử vì hầm nằm trong nhà người ta nên nếu công nhận như vậy thì vô tình là tài sản trong gia đình sẽ trở thành tài sản quốc gia vì phải cấm mốc bia gọi là bia di tích lịch sử văn hóa cấm xâm phạm cho nên người ta không bán được. Nên bằng cách nào đó muốn giữ lại thì hoán đổi cho gia đình người ta lấy khu đất để trở thành một di tích chứ cấm bia di tích lịch sử quốc gia thì vô tình chung đó là tài sản của nhà nước rồi”.

      Hiện nay, Khánh Hòa có 5 căn hầm bí mật đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những căn hầm này đang xuống cấp. Trong đó, có 2 căn hầm đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử -đã bị san lấp do nhu cầu sửa chữa nhà ở của các gia đình. Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa, do các căn hầm này chỉ mới được công nhận là di tích- chứ chưa được xếp hạng di tích -nên không có kinh phí bảo trì, sửa chữa. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng cần quan tâm, xem xét việc duy tu đối với những căn hầm hiện đang xuống cấp nhằm góp phần gìn giữ một trong những địa điểm truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

 Diệu An – Hà Khánh


Lượt xem: 219

Trả lời