Bất cập từ Thông tư 15 của Bộ Y tế: làm khó cho cả bệnh viện và người dân

Cập nhật 31/7/2018, 07:07:16

Ngày 15/7 vừa qua, Thông tư 15 của Bộ Y tế bắt đầu có hiệu lực. Theo thông tư này, có đến 88 dịch vụ y tế được giảm giá và 9 dịch vụ được tăng giá so với trước đây. Tuy nhiên, sau gần nửa tháng áp dụng, một số quy định của Thông tư 15 đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác khám chữa bệnh, làm khó cho các cơ sở y tế và cả người bệnh. Sau đây là ghi nhận của phóng viên thời sự tại tỉnh Khánh Hòa.

Giảm giá đến 88 dịch vụ y tế, trong đó có nhiều dịch vụ có mức sử dụng lớn như giá khám bệnh, giường bệnh, giá dịch vụ chụp X- Quang… đã khiến nhiều người dân cảm thấy phấn khởi. Tuy nhiên, Thông tư 15 lại quy định, mỗi ngày một bác sĩ ở mỗi bàn khám chỉ được tiếp nhận tối đa 65 bệnh nhân, nếu khám vượt số lượt quy định thì trong 3 tháng đầu chỉ được thanh toán 50% bảo hiểm y tế, những tháng tiếp theo sẽ không được thanh toán.

Chị Nguyễn Thị Ngọc – TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Tôi thường đi khám sớm hoặc muộn nhưng nếu tôi đến khám không may rơi vào thứ 66 thì biết làm thế nào. Tôi hộ cận nghèo khám toàn bằng BHYT giờ lại không chi trả BHYT rồi tôi không có tiền khám bệnh”.

Bác sĩ Vĩnh Tuấn Huy – Phó khoa Khám, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, để giải quyết tình trạng trên, khi đến bệnh nhân số 66, khoa điều chuyển sang chuyên khoa tương tự để khám, đối với những bệnh chuyên sâu không thể điều chuyển như: tim mạch, bướu cổ… vẫn phải tiếp nhận. Bệnh viện cũng dự định mở thêm các bàn khám tuy nhiên khi mở thì phải điều chuyển bác sĩ ở nội trú ra khám bệnh trong khi đó, khu nội trú luôn quá tải.

 Thực tế cho thấy việc quy định cứng 65 bệnh nhân/bác sĩ/bàn khám đang gây khó khăn rất nhiều cho các cơ sở y tế. Bởi số lượng bệnh nhân thay đổi theo ngày, theo mùa và theo từng loại bệnh. Theo thống kê tại các bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hiện tại các bàn khám ngoại tổng quát, nội tim mạch, chấn thương chỉnh hình, luôn trên 65 bệnh nhân mỗi ngày. Ngoài ra, các bàn khám nhi, mắt… số bệnh nhân thay đổi theo mùa. Cùng với đó các quy định về cận lâm sàng như 1 máy siêu âm chỉ được phép thực hiện tối đa 48 ca/ngày, máy X-quang là 58 ca, máy CT là 29 ca, máy chụp cộng hưởng từ (MRI) chỉ 19 ca theo quy định của Bộ Y tế cũng được cho là không hợp lý.

Bác sĩ Phan Hữu Chính – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa cũng chia sẻ: “Chúng tôi chưa biết giải quyết như thế nào, nếu như mua thêm máy thì có đủ con người để đọc hay không? Ở trong một số thời điểm cái máy CT 8 lat cắt chúng tôi cũng vượt quá mức trần quy định nhưng vì bệnh nhân thì không thể ko chỉ định được. Bệnh nhân chấn thương sọ não chúng tôi vẫn phải cho bệnh nhân chụp CT, thì mới cứu bệnh nhân được”.

Hiện tại, Thông tư 15 của Bộ Y tế đang bộc lộ nhiều bất cập, trong bối cảnh rất nhiều bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính thì việc quy định cứng mức khám và các thủ thuật cận lâm sàng đã làm sụt giảm nguồn thu trầm trọng. Về lâu dài, nếu như các bệnh viện không thể cân đối được thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của người dân. Hiện tại, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã làm tờ trình gửi Bộ Y tế điều chỉnh cách tính định mức theo hướng tính bình quân các bàn khám, các cận lâm sàng để có thể áp dụng linh hoạt trong thực tế./.

Thanh Quý- Minh Đức


Lượt xem: 79

Trả lời