Rạng danh miền đất võ

Cập nhật 15/5/2019, 08:05:46

Vùng đất Tây Sơn Thượng Đạo, tức An Khê ngày nay, không chỉ tạo ấn tượng bởi những danh lam, thắng cảnh đẹp; công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo, mà nơi đây còn  lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc giữa hai miền ngược và xuôi, làm nên khí chất oai hùng của miền đất võ cho đến ngày nay..!

Là một sự thiếu sót, nếu đến vùng đất Tây Sơn Thượng mà không được trải nghiệm nét đẹp văn hóa, tinh hoa của nền võ cổ truyền. An khê là địa phương sớm có phong trào rèn luyện võ thuật trên vùng đất Tây Nguyên, trong đó, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định được xem như là hạt nhân của phong trào. Những chứng tích lịch sử như: An Khê Đình, An Khê Trường…, nơi được 3 anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi rèn binh, luyện võ  như là một minh chứng sống động nhất cho đến ngày nay.

Đại võ sư Lê Ngọc Có, Chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “3 Anh em nhà Tây Sơn chọn căn cứ tại An Khê phát triển võ cổ truyền Việt Nam gọi là Tây Sơn Thượng Đạo hiện nay, từ đó 3 anh em đã đào tạo một lực lượng binh sỹ rất lớn động viên tất cả các võ sư xây dựng nền móng võ. Nhân dân An Khê nói riêng cả nước nói chung rất là tự hào về nền võ thuật mà 3 anh em nhà Tây Sơn đã xây dựng nên”.

Bao đời nay, những người con của vùng đất Tây Sơn Thượng Đạo võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định dường như có một mối lương duyên từ sâu thẳm trong tiềm thức.

Tuổi đã 80 và hơn 20 năm theo nghiệp võ, lão võ sư Thái Hóa Hưng đã gần như trọn tâm huyết cuộc đời mình cho võ thuật, trong suốt thời gian đó ông đã đào tạo nên một đội ngũ kế thừa đông đảo. Giờ đây, khi tuổi đã cao sức đã yếu hai người con trai của ông lại kế tục sự nghiệp của người cha. Với ông, cũng như bao người con An Khê khác thì võ thuật không phải chỉ đơn thuần kế sinh nhai mà đó còn là cách gìn giữ một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt

Võ sư Thái Hóa Hưng, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Tôi thì cũng có chủ trương cho con mình lấy tinh thần võ thuật để truyền bá, ý muốn tất cả các khóa sinh học cho nhiều phát huy tinh thần văn hóa dân tộc”.

 Thấm đẫm tinh thần võ học từ người cha võ sư Thái Văn Nhân và người em trai Thái Văn Quang hiện đang tiếp tục công việc truyền bá những tinh hoa của võ thuật cổ truyền cho đội ngũ kế cận. Với các thế hệ võ sinh việc học võ cổ truyền cũng là cách tri ân các bậc tiền nhân đã dày công đúc rút những tinh hoa từ bao đời cho hậu thế. Những tinh túy đó đã biến võ thuật thành nét văn hóa độc đáo được lưu truyền qua bao thế hệ.

Chuẩn võ Thái Văn Nhân, thị xã An Khê, Gia Lai nói: “So với các bộ môn võ khác thì võ cổ truyền rất là đa dạng, nhiều loại binh khí, nhiều bài quyền đặc sắc. Hiện tại chúng tôi cũng cố gắng duy trì phát triển cho các thế hệ sau để biết cái nôi võ thuật cổ truyền trên vùng đất Tây Sơn Thượng”.

An khê đang là địa phương dẫn đầu phong trào võ cổ truyền trong toàn tỉnh Gia Lai từ võ sư, huấn luyện viên và cả số lượng võ sinh theo học. Điều này minh chứng cho tinh thần thượng võ cũng như tình yêu võ thuật của người dân  vùng đất này.

Võ cổ truyền trên vùng đất Tây Sơn Thượng Đạo chính là niềm tự hào của hậu thế trước những giá trị văn hóa quý báu được kết tinh qua bao đời. Không chỉ góp phần làm nên nét đẹp toàn diện của con người mà nó còn làm rạng danh thêm nền võ học và cả tinh thần thượng võ trên vùng đất Tây Nguyên anh hùng./.

 Kim Ngân, Phan Nguyên


Lượt xem: 62

Trả lời