Đảng bộ huyện Đức Cơ – Thành tựu của nhiệm kỳ 2015- 2020

Cập nhật 05/8/2020, 10:08:57

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Cơ lần thứ VI xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2015-2020, đó là: Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền và hiệu quả hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội; tạo sự đồng thuận trong xã hội; giữ vững ổn định chính trị nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; phát huy mọi nguồn lực và khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, phấn đấu xây dựng Đức Cơ thành vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh. 05 năm với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong toàn huyện,  huyện biên giới Đức Cơ đã đạt nhiều thành tựu và tạo được dấu ấn quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI (nhiệm kỳ 2015-2020); làm tiền đề vững chắc cho sự phát triển của địa phương trong nhiệm kỳ mới (2020-2025) và giai đoạn tiếp theo.

Bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức; song được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh; Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Đức Cơ đã tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI đã đề ra. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương sát hợp với thực tế; trong đó nổi bật là công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, Đảng bộ huyện Đức Cơ có 40 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; công tác phát triển đảng viên được quan tâm, tỷ lệ kết nạp đảng viên hằng năm tăng bình quân 5,8%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và tạo sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền. Xác định tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cơ cấu kinh tế của Đức Cơ được chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của huyện; trong đó ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản tiếp tục đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế; công nghiệp, xây dựng tăng trưởng khá; thương mại, dịch vụ tăng trưởng đáng kể. Năm 2020, giá trị sản xuất toàn huyện đạt 5.214 tỷ đồng (tăng 1,3 lần so với năm 2015); trong đó, tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 42,46%, công nghiệp-xây dựng chiếm 19,85%, thương mại-dịch vụ chiếm 37,69%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 37,13 triệu đồng (tăng 8,95 triệu đồng so với năm 2015) và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Với lợi thế của hơn 17.000 ha cây trồng, cùng với phát triển cây công nghiệp dài ngày, sản xuất nông nghiệp của Đức Cơ trong những năm qua tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, thông qua các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất.
Ông Nguyễn Quốc Tư – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Đầu tiên là những mô hình về phát triển sản xuất VietGap để đưa sản phẩm tốt ra thị trường; thứ hai là ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên cây trồng, vì ở đây không có nhiều công trình thủy lợi nên bắt buộc phải áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; rồi đến công nghệ sản xuất cây giống bằng nuôi cấy mô thì ở đây cũng có một số mô hình như sản xuất cây phong lan; rồi đến các mô hình trồng rau thủy canh thì cũng đã triển khai được một nhà 500m2và cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra thì nhiều mô hình ICM, IPM được ứng dụng rộng rãi. Thì nói chung đây là 1 trong những điểm nhấn của huyện”.
Đặc biệt với lợi thế có Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, đây được xem là điều kiện thuận lợi cho sự hình thành khu phức hợp phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp… góp phần cho sự phát triển tại vùng biên giới Đức Cơ và có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến quá trình phát triển của tỉnh Gia Lai trên các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng và an ninh; đồng thời kết nối các hoạt động kinh tế của tỉnh, của vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Trung Bộ với các tỉnh Đông Bắc Campuchia.

Các chủ trương, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế được quan tâm và từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, triển khai quyết liệt dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư vào địa bàn cũng như khu vực cửa khẩu. Đến nay, Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã thu hút được 27 nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư 33 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 401 tỷ đồng.
Ông Bùi Thiên Ấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Mẫn, Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cho biết: “Đến hôm nay thì đã phát triển rất nhiều và đã có rất nhiều DN đầu tư vào khu vực cửa khẩu này. Qua sự chỉ đạo, giúp đỡ của UBND tỉnh cũng như chính quyền địa phương thì đã tạo điều kiện để DN phát triển, đồng hành với khu kinh tế, càng ngày càng phát triển hơn”.
Dấu ấn trên vùng biên giới Đức Cơ, công trình Quốc môn – một trong những dự án quan trọng được đầu tư tại cửa khẩu đã được khánh thành vào ngày 19.4.2019 là công trình mang ý nghĩa chính trị rất quan trọng, khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc của một quốc gia; đồng thời thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam – Campuchia.
Xác định rõ mục tiêu, lộ trình và bước đi, đưa ra các giải pháp phù hợp, ưu tiên nguồn lực, tổ chức thực hiện với quyết tâm và sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; một trong những kết quả đáng ghi nhận của huyện Đức Cơ trong nhiệm kỳ qua đó là xây dựng xã Ia Dom là xã đầu tiên trên tuyến biên giới của cả khu vực Tây Nguyên được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) từ năm 2015. Với xuất phát điểm thấp khi kinh tế phát triển chậm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng không đồng bộ, thiếu hợp lý, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng còn thiếu… chính vì vậy bắt tay vào thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng NTM theo lộ trình đã đề ra là điều tưởng chừng như không thể. Thế nhưng với sự chỉ đạo của tỉnh, sự nỗ lực của huyện, sự đồng thuận cao của người dân và sự giúp đỡ nhiệt tình của lực lượng Bộ đội Biên phòng; NTM ở Ia Dom đã về đích thành công. Dấu ấn trong xây dựng NTM ở Ia Dom không chỉ thấy rõ qua các công trình được đầu tư xây dựng trên địa bàn mà còn thể hiện đậm nét trong từng việc làm thiết thực của những người lính mang quân hàm xanh. Đó cũng chính là kết quả của tình đoàn kết quân dân nơi vùng biên giới.

Đại úy Lê Thanh Hải – Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Gia Lai  nói: “Bằng công sức đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cùng phối hợp với địa phương, mà trực tiếp là làm những mô hình cụ thể, thiết thực mang nhiều ý nghĩa, được người dân ở đây đón nhận. Người dân rất tin tưởng bộ đội và chính quyền địa phương trong thực hiện xây dựng NTM”.
Ông Hồ Đình Kỳ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Đạt chuẩn đã khó giữ chuẩn càng khó hơn nên vấn đề này thì cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đặt ra những mục tiêu rất là cụ thể nhằm triển khai thực hiện một cách cụ thể xuống từng thôn/làng và đưa ra một số mục tiêu cụ thể để duy trì các nội dung, các tiêu chí mà đạt chuẩn chưa vững thì duy trì sẽ đạt vững trong thời gian tới”.
Ngoài xã Ia Dom, triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, 05 năm qua huyện Đức Cơ đã huy động được trên 415 tỷ đồng để thực hiện Chương trình gắn với xây dựng làng đạt chuẩn NTM theo tinh thần Chỉ thị số 12 ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.  Bình quân đến cuối năm 2019, mỗi xã của huyện đạt 12,6 tiêu chí/19 tiêu chí NTM và thị trấn Chư Ty đạt 16/24 tiêu chí đô thị văn minh. Theo đánh giá đến cuối năm 2020, toàn huyện sẽ có 03 xã đạt chuẩn NTM, 12 làng đạt chuẩn NTM và thị trấn Chư Ty đạt chuẩn đô thị văn minh.
Trên vùng biên giới Đức Cơ hôm nay, màu xanh của sự ấm no, hạnh phúc đang hiện hữu; và kết quả đó có được bởi sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với những chủ trương, biện pháp cụ thể. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm của huyện giảm 2,96%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Ông Tăng Ngọc Trai – Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện thì cũng thực hiện nhiều chương trình đồng bộ như Chương trình 135 rồi lồng ghép các chương trình của nguồn NTM, rồi định canh định cư; tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.Từ đầu nhiệm kỳ toàn huyện có trên 20,2% hộ nghèo và dự kiến đến cuối năm 2020 này còn dưới 7%”.
Với một địa phương có tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 46%, công tác phát triển vùng đồng bào DTTS luôn được huyện Đức Cơ quan tâm, chú trọng. Theo đó, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và ngân sách của địa phương, huyện đã ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS; nhất là các xã, thôn, làng khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Các công trình giao thông, trường học, điện thắp sáng, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả. Các chương trình khuyến nông, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa trong vùng đồng bào DTTS. Các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ đồng bào DTTS như hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; hỗ trợ nhà ở, chương trình 135… được triển khai thực hiện có hiệu quả đã giúp nhiều hộ  DTTS có mức thu nhập trung bình và cao, góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm. Theo thống kê, đến cuối năm 2019, số hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn huyện Đức Cơ còn 1.324 hộ (giảm 1.342 hộ so với năm 2016); số hộ có thu nhập trung bình và cao chiếm 40,1% tổng số hộ người DTTS. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, nâng cao. Chính sách dân tộc được thực hiện có hiệu quả; sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục có bước phát triển, từng bước giảm dần sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn; mạng lưới, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư và phát triển góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân… Bên cạnh đó, với mục tiêu đưa du lịch thành ngành có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương, huyện Đức Cơ  đã xây dựng nhiều chương trình, đề án phát triển du lịch trên địa bàn. Các sự kiện văn hóa, du lịch như: Liên hoan cồng chiêng, Chợ phiên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh… hay các địa danh như: Cây Đa làng Ghè (xã Ia Dơk), Rừng hương (xã Ia Kriêng), Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh… bước đầu đã tạo hiệu ứng, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo khách đến tham quan, góp phần quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa Đức Cơ đến với du khách trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện để phát triển du lịch của huyện.
Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm đạt được trong 05 năm qua, nhiệm kỳ mới 2020-2025, Đảng bộ huyện Đức Cơ đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Phạm Văn Cường – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đức Cơ, Gia Lai trao đổi: “Giải pháp thứ nhất đó là tập trung cho phát triển nông nghiệp. Đức Cơ là huyện với 80% dân số là người làm nông nghiệp cho nên là tập trung cho phát triển nông nghiệp về tăng năng suất, tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Vấn đề thứ 2 đó là tập trung cho phát triển xây dựng NTM; thì trong nhiệm kỳ 2020-2025 huyện xác định sẽ xây dựng được 5 xã đạt chuẩn NTM. Vấn đề thứ 3 đó là tập trung cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt với các xã vùng sâu vùng xa và khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu để từ đó thúc đẩy mối quan hệ, giao lưu, thương mại giữa VN-CPC. Giải pháp thứ 4 đó là xây dựng hệ thống chính trị – đây là giải pháp quan trọng đối với huyện Đức Cơ. Trong các nhiệm kỳ trước kia thì công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trên địa bàn huyện Dức Cơ đã được chú trọng; tuy nhiên hiệu quả chưa cao; thế thì trong nhiệm kỳ 2020-2025 huyện Đức Cơ xác định công tác đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ trên địa bàn huyện ở các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị là giải pháp quan trọng nhất để từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả trong giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức”.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020; những thành tựu đạt được, những tiềm năng, lợi thế cùng những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn sẽ là động lực, quyết tâm để Đảng bộ và nhân dân Đức Cơ phấn khởi, tự tin bước vào nhiệm kỳ mới với quyết tâm xây dựng vùng biên giới Đức Cơ ngày càng giàu đẹp và phát triển bền vững./.

Mỹ Tiến – R’Piên


Lượt xem: 1357

Trả lời